Luật Kinh doanh bất động sản năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2024 quy định quyền sử dụng đất không được chuyển nhượng cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, phân lô bán nền tại phường, quận, thành phố thuộc đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III và thuộc đối tượng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.
Đối với các khu vực còn lại, UBND tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương để xác định khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Như vậy, quy định mới sẽ không cho phép phân lô, bán đất tại tổng cộng 105 thành phố và thị trấn trên cả nước.
Đánh giá về quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản hạn chế phân lô, phân thửa đất, Đánh giá tác động của quy định này trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Quế, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, vì đất phải xây xong rồi mới mở bán, tổng giá trị sản phẩm sẽ tăng, không hấp dẫn nhà đầu tư. Thứ hai, Nhà nước sẽ thu được nguồn thuế lớn hơn. Cuối cùng, sẽ giúp sàng lọc năng lực của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án. Đặc biệt, giá đất trong thời gian tới sẽ tăng do nguồn cung khan hiếm.
Ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ (CaREA) cũng cho rằng, việc cấm phân lô, bán đất tại các đô thị đặc biệt, loại I, loại II, loại III sẽ tác động rất lớn đến cơ cấu phân khúc sản phẩm bất động sản. Trong tương lai gần, thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét ở phân khúc đất nền.
Theo ông Thủy, với khung pháp lý hiện tại, rất khó để lập một dự án kéo dài từ 3 đến 5 năm. Các doanh nghiệp sẽ lựa chọn triển khai mô hình cá thể tự phân lô (điều này phù hợp, dễ dàng và tạo nguồn cung lớn hơn) và ít khi lựa chọn lập dự án hoặc pháp nhân. Do đó, với các quy định mới, số lượng sản phẩm đất đai từ phân lô trong giai đoạn tới sẽ giảm. Nguồn cung khan hiếm khiến giá đất tăng. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này sẽ giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho biết nhu cầu về đất đai luôn rất cao trong khi thị trường thiếu nguồn cung từ các dự án chính thức. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu cơ đã lợi dụng cơ hội này để gom đất, chia nhỏ thành các lô, thậm chí đặt tên theo các dự án chính thức để thu hút người mua. Đồng thời, họ cạnh tranh để thổi giá, “đẩy” giá bất động sản lên cao, gây hỗn loạn trên thị trường. “Việc siết chặt việc phân lô, bán đất là cần thiết”, ông Đính khẳng định.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, về lâu dài, việc siết chặt việc phân lô, bán đất sẽ giúp thị trường này phát triển theo hướng minh bạch, bền vững, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “sốt” đất, hạn chế tình trạng lãng phí đất đai.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/siet-phan-lo-tach-thua-tu-1-8-het-thoi-dau-co-thoi-gia-dat-nen-tran-lan-176240703083811993.chn