Hãy cùng Địa ốc thời báo tìm hiểu môi giới bất động sản là ai mà lại có vai trò lớn như vậy? Vậy chính xác thì môi giới bất động sản là gì?
I. Môi giới là gì?
Môi giới là trung gian giữa người bán và người mua, được người bán hoặc người mua ủy thác tiến hành bán hoặc mua hàng hóa và dịch vụ. Hoạt động môi giới bao gồm việc tìm kiếm khách hàng, tổ chức cho các bên tiếp xúc, đàm phán và ký kết hợp đồng. Trong thương mại, người môi giới không được đứng tên của chính mình mà đứng tên người ủy thác, không chịu trách nhiệm cá nhân trước người ủy thác về việc khách hàng không thực hiện hợp đồng. Người môi giới không tham gia vào việc ký kết và thực hiện hợp đồng, trừ khi được ủy quyền.
II. Môi giới bất động sản là gì?
Bạn đã từng nghe đến cụm từ “cò đất” hoặc “cò bất động sản” chưa? Vậy “môi giới bất động sản” có phải là “cò đất” không? Câu trả lời là không!
Môi giới bất động sản là người có chứng chỉ hành nghề hoặc kiến thức trong mua bán bất động sản, hỗ trợ người bán, người mua về các thủ tục mua bán bất động sản và thuộc những công ty địa ốc có quy chế rõ ràng. Môi giới bất động sản còn tư vấn, tiếp thị tới những khách hàng có nhu cầu mua bán bất động sản. Khác với môi giới bất động sản dùng kiến thức và tầm nhìn để đánh giá về thị trường, đưa ra những tư vấn hữu ích cho khách hàng, “cò đất” chỉ là người đứng ra làm trung gian giới thiệu, dùng các mánh khóe để làm ăn và hoạt động trôi nổi theo “quy luật ngầm” của ngành bất động sản.
III. Nghề môi giới bất động sản
Nhân viên môi giới bất động sản là một nghề rất quan trọng, góp phần khiến cho các giao dịch nhà đất trở nên thuận lợi và nhanh chóng hơn. Với kiến thức và kĩ năng của mình, họ chính là người đưa ra những tư vấn phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người mua, hoặc giúp đỡ người bán bán được tài sản ở mức giá cao. Nhân viên môi giới bất động sản còn là người hỗ trợ khách hàng xử lý về mặt thủ tục, giấy tờ giao dịch nhà đất hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn.
Công việc hằng ngày của một nhân viên môi giới bất động sản bao gồm:
Tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho công ty bằng cách tạo dựng và mở rộng các mối quan hệ xã hội, tham gia những buổi hội thảo về kinh doanh bất động sản, tiếp cận khách hàng qua điện thoại, email, hay các trang mạng xã hội…
Cung cấp thông tin về các dự án, các chương trình khuyến mãi, đưa ra lời khuyên phù hợp với nhu cầu và ngân sách của khách hàng muốn mua hoặc giúp khách hàng muốn bán bán được nhà với mức giá cao.
- Hỗ trợ khách hàng về các thủ tục giao dịch nhà đất
- Duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng để tạo ra tập khách hàng trung thành
- Đưa ra các chiến lược phát triển cho công ty.
IV. Quy trình môi giới bất động sản
1. Khai thác khách hàng tiềm năng
- Càng nhiều khách hàng tiềm năng thì xác suất giao dịch thành công càng cao.
- Lưu trữ dữ liệu thông tin khách hàng, phân tích phân khúc thị trường, lên kế hoạch khai thác và thường xuyên bổ sung vào danh sách khách hàng tiềm năng.
2. Tiếp nhận yêu cầu khách hàng
Đối với khách hàng gửi bán: Khách hàng là chính chủ hay trung gian, động cơ và thời gian yêu cầu, tìm hiểu về tính pháp lý của bất động sản, sản phẩm bất động sản cụ thể, giá trị (giá gốc và mức giá chênh lệch), mức độ rủi ro.
Đối với khách hàng cần mua: Mục đích là an cư hay đầu tư, khả năng tài chính, mức độ quan tâm đến phong thủy, vị trí bất động sản quan tâm, loại hình, đặc điểm, giá trị và tính pháp lý của bất động sản.
3. Tư vấn
Ghi nhớ tâm lý chung của khách hàng: “Mua với mức giá thấp nhất và gửi bán với mức giá cao nhất”.
Đối với khách hàng gửi bán: Nên tư vấn về giá trị bất động sản. Thông thường, nhân viên môi giới bất động sản sẽ muốn mức giá không cao để dễ chào bán. Tuy nhiên, mọi chuyện đều có thể thương lượng và để giữ được mối quan hệ lâu dài với khách hàng thì bạn cần thể hiện khả năng bán được nhà nhanh nhất với mức giá cao nhất có thể.
Đối với khách hàng cần mua: Ngược lại với khách hàng gửi bán, nhân viên môi giới bất động sản sẽ muốn mức giá không thấp để dễ dàng tìm sản phẩm giới thiệu. Nên tư vấn về sản phẩm, nếu chất lượng đảm bảo thì mức giá cao một chút cũng là hợp lý và xứng đáng.
4. Tiếp thị
- Liên lạc với khách hàng trong cơ sở dữ liệu
- Rao bán trên hệ thống website của công ty, đăng tin lên các mạng xã hội
- Tiếp thị trực tiếp ở các sự kiện, buổi hội thảo về bất động sản
- Tận dụng các mối quan hệ xã hội để tìm kiếm khách hàng.
5. Thương lượng
- Tìm hiểu về sản phẩm, thông tin người bán và người mua, lựa chọn thời gian, hình thức tiếp xúc.
- Tiếp xúc thương lượng: Tạo bầu không khí thoải mái để lấy được niềm tin từ đối tác, tìm cách thăm dò nhu cầu của khách hàng.
- Thông báo thương lượng thành công: Từ các bước đàm phán đưa đến quyết định cuối cùng
6. Thực hiện giao dịch
- Chuẩn bị tài liệu cần thiết cho buổi giao dịch
- Thái độ phục vụ nhiệt tình, cởi mở để xúc tiến giao dịch nhanh chóng
- Xem xét các giấy tờ pháp lý và giải đáp thỏa đáng các thắc mắc có liên quan, thông báo về đơn giá, tiền đặt cọc, tiến độ thanh toán
7. Kết thúc giao dịch
Theo dõi tiến trình thực hiện thỏa thuận: Liên lạc với người bán và người mua để theo dõi các thủ tục, thông báo cho các bên về thời gian thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng, có mặt để làm chứng trong mỗi lần thanh toán.
Thu phí và kết thúc giao dịch: Thu các loại phí cần thiết, giới thiệu thêm các dịch vụ của công ty, gửi quà tặng, thư cảm ơn và tìm hiểu thêm những nhu cầu mới của khách hàng, đánh giá mức độ hài lòng khi sử dụng dịch vụ của khách hàng.
8. Duy trì và chăm sóc khách hàng
Đảm bảo chất lượng về quy trình chăm sóc khách hàng, tăng sự chuyên nghiệp khi đạt hiệu quả tối ưu trong giao dịch.
Thường xuyên liên lạc để duy trì mối quan hệ thân thiết, xây dựng tập khách hàng trung thành.