Người dân khó sở hữu nhà
Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết số 18 yêu cầu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang. Điều này sẽ giúp những người có thu nhập thấp sở hữu nhà với mức giá hợp lý hơn.
Trong vòng 10 năm qua tổng diện tích nhà ở toàn quốc tăng 1,6 lần (từ 1,4 tỷ m2 lên khoảng 2,3 tỷ m2), bình quân mỗi năm tăng khoảng 60 triệu m2. Như vậy, nghịch lý đang diễn ra: Diện tích nhà ở toàn quốc đang ngày một tăng lên nhưng người lao động, người thu nhập thấp đang ngày càng khó mua được nhà ở.
Thực tế, trong mấy năm trở lại đây giá nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM đã tăng 2 – 4 lần. Theo ước tính, với mức tài chính dưới 2 tỷ đồng, người mua nhà khó có thể sở hữu căn hộ trong trung tâm mà phải đi rất xa khu vực này. Ngay cả căn hộ cũ, thời gian qua cũng đã ghi nhận tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm mua.
Giá nhà tăng “chóng mặt” khiến việc sở hữu của đại đa số người dân ngày càng trở nên khó khăn. Theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội. Đây là hai loại nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị.
Do thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn, mà theo quy luật cung – cầu đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Điều này biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở. Trong khi so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Người có nhu cầu thực có hy vọng sở hữu nhà
Để giải quyết tình trạng này nhiều chuyên gia cho rằng với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất, chống đầu cơ đất đai. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.
Theo TS Đinh Thế Hiển, thuế tài sản sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, sau đó sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường.
“Về lâu dài, loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, đưa bất động sản về đúng giá trị thực của nó. Thực tế việc đầu cơ hiện nay khiến rất nhiều nhà đất để không, quá lãng phí”, TS Hiển chia sẻ.
Các chuyên gia bất động sản cũng đều cho rằng, thuế là công cụ để điều tiết và bình ổn mọi vấn đề của thị trường. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng sắc thuế sẽ điều tiết, dừng việc găm giữ, đầu cơ, thổi giá đất.
“Nếu đánh thuế cao thì hiện tượng lướt sóng, đầu cơ đất sẽ không con và sẽ không ai dám đầu tư vì mua xong bán luôn sẽ bị tính thuế nặng hơn. Đánh thuế sẽ triệt tiêu, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực của xã hội và sẽ trở thành công cụ điều tiết các hành vi sử dụng tài sản có lợi hay không có lợi cho xã hội”, ông Đính nêu quan điểm.
Ông Đính khẳng định, cầu của thị trường phải là cầu thật, không phải cầu ảo. Tuy nhiên, nhiều nhóm chỉ mang tiền vào bất động sản để tìm cách sinh lợi, có lãi chứ không có nhu cầu sử dụng, các nhu cầu đó là nhu cầu “bong bóng”. Mà thị trường muốn ổn định, bền vững phải là nhu cầu thật, gạt bỏ những người đầu cơ đất sẽ càng tốt cho thị trường.
Rõ ràng, việc đánh thuế cao đối với những trường hợp đầu cơ, găm đất rồi bỏ hoang sẽ giúp thị trường bất động sản bình ổn. Điều này sẽ giúp người có nhu cầu thực có cơ hội để sở hữu nhà.
https://cafef.vn/danh-thue-cao-voi-nguoi-so-huu-nhieu-bat-dong-san-nguoi-co-nhu-cau-thuc-huong-loi-20220629211140851.chn