Tại Tọa đàm “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Hòa Bình” ngày 5/1/2021, ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị; Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình cho biết Hòa Bình có nhiều tiềm năng nhưng cũng tồn tại những mặt hạn chế.
Thứ nhất, đó là diện tích nhỏ và bị chia cắt bởi nhiều đồi núi sông xuối, giao thông chưa kết nối thuận lợi được với nhau. Chỉ có sông Đà kết nối được giao thông còn các con sông khác chỉ có đá và núi nên lưu thông đường thuỷ hạn chế. Cái quan trọng nhất là đường bảo vệ hành lang các công trình trọng điểm như nhà máy nước Vinaconex.
“Ở đây tôi cũng chia sẻ câu chuyện là sau khi phát hiện có người đổ trộm dầu thì chúng tôi đã điều chỉnh và yêu cầu lấy nước đúng nguồn, đồng thời phát huy được hơn 1.000ha khu vực xung quanh hồ Đồng Bài bởi không chỉ có nước ở sông mà còn nước ở các lưu vực xung quanh. Từ đây cho thấy bài toán về môi trường còn chưa thực sự được giải quyết”, ông Lập cho biết.
Cũng theo ông Lập, một vấn đề khác là vướng mắc đền bù. Hiện, Sở Xây dựng thay mặt UBND tỉnh ký được 33 dự án nhà ở với tổng diện tích 849ha, số vốn đầu tư lên tới hơn 11.000 tỷ đồng. Những dự án này đang triển khai nhưng có vướng mắc về đền bù, người dân so sánh về đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng nên yêu cầu cao và khiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
Nhiều người dân thắc mắc mức đền bù cao nhất hiện nay là 285.000 đồng/m2 (đất lúa), đất lâm nghiệp khoảng hơn 200.000 đồng/m2 nhưng các nhà đầu tư bán mười mấy triệu/m2. Tuy nhiên, người dân họ không tính đến chi phí nộp cho nhà nước, chi phí đầu tư nên vẫn không chấp nhận đền bù
Thứ hai, theo ông Lập là bất động sản nghỉ dưỡng không như dự án nhà ở được các cơ quan chức năng trực tiếp đứng ra giải phóng mặt bằng rồi bàn giao cho nhà đầu tư. Dự án nghỉ dưỡng là chủ đầu tư phải tự đi thoả thuận dẫn đến nhiều tình huống khó khăn cho doanh nghiệp như giấy trên bìa đỏ của người dân 1ha nhưng thực tế đo đạc có 5.000m2, đất trồng lúa nhưng người dân trồng cây lâu năm thì đền bù thế nào?
Vướng mắc nữa là nhà đầu tư làm thật rất ít, năm 2017, chúng tôi đã kêu gọi nhà đầu tư lớn đầu tư vào Hoà Bình nhưng họ đều lắc đầu, sau chúng tôi phải thu hút cả nhà đầu tư nhỏ, dự án 5ha cũng tổ chức đấu thầu, 4.000 – 5.000m2 vị trí đẹp chúng tôi cũng đấu thầu”.
Về giá BĐS, ông Lập cho biết thời gian qua Hòa Bình lập nổi lên với lan đột biến nên thu hút rất nhiều người vào chơi lan. Điều này đã khiến nhiều người dân đổ xô đi mua đất trồng lan. Ngoài ra, theo các báo cáo, giao dịch bất động sản tại Hòa Bình đang không nhiều, nên nếu giá có bị đẩy lên cao thì cũng sẽ không ai mua. Do người dân, nhà đầu tư ngày nay dân trí đã cao, am hiểu về thị trường bất động sản.
BĐS tại Hòa Bình đang bị đẩy giá bất thường
Bàn về giá BĐS Hòa Bình TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết giá BĐS tại Hòa Bình đang bị đẩy lên bất thường. Nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.
“Hòa Bình đang là một trong những địa phương bị đẩy giá bất động sản bất bình thường. Nguyên nhân cũng một phần là do thiếu nguồn cung. Thực tế, Hoà Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó pháp lý nên chưa thể ra hàng”, ông Đính cho biết.
Theo ông Đính: “Hòa Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Tôi còn nhớ, năm 2007, nhiều đại gia đã xuất hiện tại Hoà Bình để đầu tư mua đất nhưng tốc độ triển khai đến nay chưa thực sự tốt. Mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp tham gia tại thị trường bất động sản địa phương này”.
Nguồn: cafef.vn