Môi giới bất động sản là một nghề kiếm tiền nhanh, kiếm rất nhiều tiền nhưng không phải ai cũng có thể làm được. Hãy cùng Địa ốc thời báo tìm hiểu về cơ hội và thách thức của nghề môi giới bất động sản nhé.
Cơ hội của môi giới bất động sản
1. Thu nhập hấp dẫn
Bất động sản là một loại sản phẩm có giá trị cao nhất trong xã hội. Thu nhập ở tháng mà nhân viên môi giới bất động sản bán được nhiều sản phẩm có thể bằng mức lương nghề khác đi làm cả năm. Mức lương này là hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực mà môi giới bỏ ra. Có người còn nói rằng: Muốn làm giàu hãy đi làm môi giới bất động sản!
2. Phát triển khả năng bản thân
Đến với nghề môi giới bất động sản, bản thân bạn sẽ vượt lên những gì mà bạn nghĩ trước đây, làm được những điều chính mình cũng không nghĩ tới. Bạn sẽ được học hỏi từ 3 nguồn chính:
Từ đồng nghiệp: Khi mới bước chân vào nghề thì người đầu tiên bạn nghĩ tới sẽ là học hỏi kinh nghiệm từ những người đồng nghiệp đi trước. Bạn sẽ thu được nhiều điều khi quan sát mỗi giao dịch thành công của họ, thậm chí bạn còn học hỏi được nhiều hơn sau mỗi thất bại với khách hàng của họ.
Từ trưởng nhóm/leader/giám đốc: Đây là những người từng trải trong nghề và có nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, sự nghiệp của họ đã có những dấu ấn thành công nhất định. Học hỏi họ chính là cách để bạn tiếp cận với thành công nhanh hơn.
Từ khách hàng: Khách hàng của bạn chắc hẳn cũng nằm ở phân khúc những người thành công ở một lĩnh vực, ngành nghề nhất định trong xã hội. Bạn nghĩ mà xem, họ có trong tay tiền tỷ để mua nhà hoặc đầu tư bất động sản, vậy nên họ cũng có rất nhiều điều khiến cho bạn phải học hỏi.
3. Sự nghiệp thăng tiến
Nghề môi giới bất động sản có áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Bất cứ một công ty môi giới bất động sản nào cũng cần nhiều nhân tài làm việc, cống hiến cho họ. Chính vì vậy, nếu bạn là người có năng lực thì bạn sẽ có bước tiến rất nhanh trong sự nghiệp. Một nhân viên môi giới sau nhiều năm nỗ lực và tích lũy được nhiều kinh nghiệm sẽ trở thành chuyên gia môi giới bất động sản. Thậm chí, bạn có thể đứng ra làm ông chủ, thành lập công ty môi giới của riêng mình và phát triển công ty theo bản sắc riêng biệt.
4. Mở rộng mối quan hệ xã hội
Không có bất cứ ai thành công trong lĩnh vực môi giới bất động sản mà không cần đến một mạng lưới quan hệ xã hội rộng rãi. Đặc thù công việc khiến hằng ngày bạn phải tiếp xúc với rất nhiều người: Đồng nghiệp, khách hàng, đối tác… Môi giới bất động sản là nghề tiếp xúc với đủ kiểu người, làm đủ kiểu nghề trong xã hội. Những mối quan hệ xã hội mang lại cho bạn nhiều kiến thức và kỹ năng, tạo tiền đề cho những bước đi thành công trong sự nghiệp của bạn.
Thách thức của nghề môi giới bất động sản
1. Khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng
Có thể nói rằng đây là điều khó khăn mà nhiều nhân viên môi giới bất động sản gặp phải nhiều nhất trong nghề. Trên các sàn giao dịch, dự án bất động sản thì nhiều, môi giới bất động sản cũng nhiều, chỉ có lượng khách hàng là có hạn. Vì thế mà áp lực tìm kiếm khách hàng càng trở nên khắc nghiệt hơn. Rất nhiều nhân viên môi giới vài tháng chẳng kiếm về được nổi dù chỉ là một hợp đồng. Điều đó khiến cho khoản thu nhập bấp bênh, kém ổn định. Vậy nên đa số mọi người từ bỏ nghề này cũng vì lý do ấy.
2. Thiếu kiến thức
Không phải nhân viên môi giới chứng khoán nào cũng được đào tạo bài bản qua trường lớp về chuyên ngành Bất động sản. Đôi khi họ đến với nghề này cũng vì chữ duyên. Chính sự thiếu kiến thức nền tảng đã khiến họ có những nhận định sai lầm trong quá trình tư vấn cho khách hàng, dẫn đến những thương vụ đầu tư kém lợi nhuận. Chỉ một sai lầm nhỏ trong nghề này có thể khiến họ mất đi niềm tin của khách hàng, mất đi chỗ đứng trong sự nghiệp.
3. Khó khăn trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng
Sự nhạy bén trong nắm bắt tâm lý khách hàng không có một trường lớp nào có thể đào tạo được. Kỹ năng này tích lũy được do trải nghiệm trong công việc dần dần mà có được, hình thành một phản xạ cho chuyên gia môi giới bất động sản. Không ít nhân viên môi giới không “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng khiến cho việc tư vấn dài dòng, lan man, không thu hút được khách hàng khiến cho họ từ chối mua hoặc đầu tư. Đối với những lời tư vấn mơ hồ, hứa hẹn lợi nhuận không tưởng cũng sẽ khiến khách hàng nảy sinh tâm lý lo lắng, hoài nghi và không dám mạo hiểm đầu tư vào dự án đó.
4. Đối mặt với cạm bẫy
Ở Việt Nam hiện giờ vẫn có hàng triệu người quan niệm rằng “môi giới bất động sản” và “cò đất” là một. Không phải tất cả các “cò đất” đều xấu, nhưng nhiều “cò đất” vì mờ mắt trước khoản lợi nhuận khổng lồ trong lĩnh vực nhà đất mà bán rẻ lương tâm của mình, lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến cho nhiều khách hàng điêu đứng. Tiếng xấu ấy lại bị đánh đồng cho nghề môi giới bất động sản, khiến cho nhiều người làm ăn chân chính trong nghề cảm thấy chạnh lòng vì những định kiến sai lệch của xã hội.
Có người đã từng nói “Nếu bạn chọn công việc khó khăn thì cuộc sống sẽ dễ dàng. Nếu bạn chọn công việc dễ dàng thì cuộc sống sẽ khó khăn”. Môi giới bất động sản tuy là nghề có nhiều khó khăn nhưng nó sẽ tiếp thêm cho bạn nhiều động lực để thay đổi cuộc sống của mình. Đặc biệt là khi bạn còn trẻ thì bạn đừng cho phép mình nhàn hạ quá mức, hãy cho bản thân mình một cơ hội và cũng là một thử thách với nghề môi giới bất động sản