Đất thổ cư được hiểu nôm na là đất ở bình thường. Theo Luật Đất đai năm 2013, đất thổ cư thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, được nhà nước công nhận thông qua sổ đỏ (hay còn gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Cụ thể, chủ đất thổ cư sẽ có quyền xây nhà ở, các công trình phục vụ nhu cầu sống,… sau khi được cấp sổ đỏ (nếu tại phần “Mục đích sử dụng” trên sổ đỏ có ghi là “đất ở”) và xây dựng đúng phạm vi mảnh đất thuộc chủ quyền sở hữu sẽ được Pháp luật công nhận, bảo vệ.
Đối tượng chịu thuế đất thổ cư
Theo Khoản 1, Điều 1 Thông tư 153/2011/TT-BTC hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, có quy định về những đối tượng phải chịu thuế sử dụng đất gồm:
– Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị quy định tại Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (gồm đất xây dựng khu công nghiệp; đất làm mặt bằng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất khai thác khoáng sản, làm mặt bằng chế biến khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng; đất phi nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh).
Cách tính thuế đất thổ cư
Hiện nay, tất cả các loại đất đều phải thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước (bao gồm đất thổ cư), được cơ quan có thẩm quyền quyết định dựa theo mục đích sử dụng mảnh đất.
Trong trường hợp muốn chuyển mục đích sử dụng, chủ mảnh đất sẽ phải thực hiện thêm các nghĩa vụ về thuế hoặc lệ phí theo quy định hiện hành.
Theo Khoản 2 Điều 8 Thông tư 153/2011/TT-BTC, cách tính thuế đất thổ cư được xác định như sau:
Số thuế cần nộp = Số thuế phát sinh (STPS) – Số thuế miễn giảm (nếu có).
Trong đó, công thức tính số thuế phát sinh (STPS) như sau:
STPS = Diện tích đất cần tính thuế x Giá 1m2 đất sử dụng x Thuế suất (%)
Do đó, để tính được thuế đất thổ cư một cách chính xác, chủ sử dụng đất phải xác định được 3 yếu tố cấu thành gồm diện tích đất cần tính thuế; giá 1m2 đất sử dụng và % thuế suất.
1. Diện tích đất cần tính thuế
– Người nộp thuế sở hữu nhiều mảnh đất nằm trong phạm vi của một tỉnh: diện tích đất tính thuế là tổng diện tích của tất cả các mảnh đất thuộc diện chịu thuế trong địa bàn tỉnh đó.
– Mảnh đất đã được cấp Sổ đỏ: diện tích đất tính thuế được quy định trong sổ đỏ. Trường hợp diện tích đất ở ghi trong sổ đỏ nhỏ hơn so với thực tế, diện tích đất tính thuế là diện tích đất sử dụng thực tế khi sử dụng.
– Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cùng sử dụng một thửa đất chưa được cấp Sổ đỏ: diện tích đất cần tính thuế là diện tích đất thực tế người sử dụng đất sử dụng.
– Các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình cùng sử dụng trên một mảnh đất đã có Sổ đỏ: diện tích tính thuế chính là diện tích được ghi ở bên trong Sổ đỏ.
2. Giá 1m2 đất ở: là giá đất theo từng mục đích sử dụng của thửa đất được tính thuế do các UBND cấp tỉnh đã quy định và được làm ổn định theo một chu kỳ 5 năm 1 lần từ ngày 1/1/2012.
Tuy nhiên, người sử dụng đất cần phải chú ý những điều sau đây:
– Nếu trong chu kỳ 5 năm có sự thay đổi về người nộp thuế hay phát sinh thêm các yếu tố có thể làm thay đổi về giá của 1m2 đất tính thuế thì thời gian còn lại của chu kỳ không cần phải xác định lại giá nữa;
– Trường hợp được nhà nước giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đất ở trong chu kỳ ổn định thì giá của 1m2 đất là giá đất do UBND tỉnh quy định tại thời điểm được giao, cho thuê, chuyển đổi mục đích sử dụng đất;
– Đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất lấn chiếm thì giá của 1m2 đất do UBND tỉnh quy định.
3. Thuế suất
Đối với đất ở (bao gồm sử dụng đất dùng để kinh doanh) được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến đối với từng phần có thể tính toán và áp dụng như sau:
– Diện tích nằm trong hạn mức: Thuế suất 0,03%
– Diện tích vượt nhỏ hơn 3 lần so với hạn mức: Thuế suất 0,07%
– Diện tích vượt lên trên 3 lần so với hạn mức: Thuế suất 0,15%