Quyết định cưỡng chế thuế
Mới đây, Chi cục Thuế TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã ban hành quyết định 1572 về việc tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế đối với Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản áp dụng đối với người nộp thuế bị cưỡng chế mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác.
Trong đó, cơ quan thuế quyết định cưỡng chế số tiền thuế 1.794 tỷ đồng với Công ty cổ phần Dream Republic và 1.796 tỷ đồng với Công ty cổ phần Sheen Mega.
Song, theo tìm hiểu của phóng viên, cả 2 doanh nghiệp trên đều khá non trẻ. Trong đó, Công ty Dream Republic (Dream Republic) chỉ mới thành lập ngày 4/10/2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là bà Trần Thị Mộng Linh, cùng 2 cổ đông khác là ông Đặng Minh Thắng (1985), ông Trương Ích Quốc (1979). Đáng chú ý, ông Đặng Minh Thắng đang đảm nhiệm nhiều pháp nhân trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tại CTCP Công nghệ Innoware, ông Thắng là Chủ tịch HĐQT, trong khi 2 Thành viên HĐQT còn lại là bà Trương Huệ Vân và ông Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh).
Tổng tài sản của Dream Republic giai đoạn 2017 – 2020 chỉ vỏn vẹn 8,7 triệu đồng, 15,9 triệu đồng, 20 triệu đồng và 15,7 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng không hề phát sinh doanh thu kể từ khi thành lập. Sau 4 năm, Dream Republic lỗ lũy kế gần 450 triệu đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu xuống âm 447,5 triệu đồng.
Về CTCP Sheen Mega, chỉ mới được thành lập tháng 11/2019, có trụ sở tại 32 Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận I, TP.HCM, có số vốn đăng ký là 500 tỷ đồng. Ba cổ đông của doanh nghiệp này là bà Nguyễn Thị Huyền (1985), bà Đặng Thị Hồng Hạnh (1996) và ông Nguyễn Ngọc Hiếu (1989). Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện là bà Nguyễn Thị Huyền.
Tương tự Dream Republic, tổng tài sản của Sheen Mega tính tới cuối năm 2020 chỉ đạt vỏn vẹn 27,6 triệu đồng. Trong khi đó doanh thu thuần cũng ở mức 0 đồng, khấu trừ chi phí khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế trên 202 triệu đồng.
Các chuyên gia cho rằng, từ năng lực tài chính của 2 doanh nghiệp trên cho thấy lỗ hổng trong việc sàng lọc nhà đầu tư trong các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Bởi thực tế thực trạng năng lực tài chính của các nhà đầu tư hiện nay còn thiếu, yếu so với yêu cầu và nguồn vốn chủ yếu được ngân hàng “hà hơi, tiếp sức”.
Thẩm định kỹ năng lực nhà đầu tư
TS. Dương Kim Thế Nguyên – Trưởng Khoa Luật, Trường Kinh tế – Luật và Quản lý Nhà nước UEH cho rằng, bên cạnh việc giảm các điều kiện ràng buộc để mở rộng các đối tượng thì Nhà nước cần có bước kiểm tra năng lực triển khai dự án thực tế của các nhà đầu tư khi tham gia đấu giá đất.
Việc không đủ năng lực tài chính để theo đến cùng dự án là một lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng và bỏ cọc sau khi trúng thầu.
Trong một chia sẻ mới đây, T.S Đoàn Thị Phương Diệp – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng nêu quan điểm rằng việc không đủ năng lực tài chính để theo đến cùng dự án là một lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng và bỏ cọc sau khi trúng thầu.
Thực tế, Luật Đầu tư có quy định nhà đầu tư phải chứng minh, cung cấp hồ sơ về năng lực tài chính thế nhưng những hồ sơ này không được nằm trong nội dung quy định về thẩm tra. “Tức là nộp như thế nhưng cơ quan nhà nước sẽ phải đi thẩm tra năng lực tài chính, thì trong quy định nội dung thẩm tra không đề cập chi tiết đến vấn đề này” – theo bà Diệp.
Để khắc phục tình trạng trả giá quá cao nhưng không thực hiện nghĩa vụ khi trúng đấu giá, gây bất ổn cho thị trường, theo bà Diệp phải xem xét khả năng đi đến cùng của các nhà đầu tư, cần thành lập cơ chế riêng cho các cuộc đấu giá đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin cho các cuộc đấu giá, kiểm tra giám sát, nhất là với các cuộc đấu giá trực tuyến.