Theo kết luận điều tra, trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên được chia làm 4 nhóm chính có liên hệ chặt chẽ với nhau gồm:
+ Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam: SCB, Chứng khoán Tân Việt, đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú
+ Nhóm các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam: phần lớn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn… đều là những công ty có vốn điều lệ lớn, chi phối hoạt động của nhiều công ty thành viên như CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (18.000 tỷ), CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông (vốn 9.000 tỷ)…CTCP Tập đoàn Quản lý Bất động sản Windsor, CTCP Đầu tư Time Square Việt Nam, CTCP XNK Hàng tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn…
+ Nhóm các công ty ma tại Việt Nam : được thành lập để lấy các pháp nhân góp vốn vào dự án, vay vốn ngân hàng, đảo nợ, ký hợp đồng…
+ Mạng lưới các công ty tại nước ngoài…
Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã xét hỏi bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về hướng giải quyết tài sản để khắc phục hậu quả trong vụ án. Ngoài những bất động sản ‘khủng’ được biết đến lâu nay, một số tòa nhà nổi tiếng khác cũng lộ diện là tài sản trong tay nữ đại gia.
Tòa nhà Capital Place tỷ đô
Trong phiên tòa tuần trước, bà Trương Mỹ Lan cho biết có tòa nhà Capital Place ước giá trị 1 tỷ USD tại Hà Nội và đang giao con gái rao bán để khắc phục hậu quả. Theo thông tin ban đầu, hiện đã có người hỏi mua với giá 360 triệu USD.
Tòa nhà Capital Place vốn là một phần của dự án Vinhomes Metropolis, sau đó được chuyển nhượng sang cho pháp nhân CTCP Twin-Peaks thuộc sở hữu của tập đoàn bất động sản bất động sản Singapore Capitaland.
Tuy nhiên, vào đầu năm 2022, một thương hiệu bất động sản mới nổi thời gian đó là Viva Land đã công bố mua lại Capital Place với giá 751 triệu đô la Singapore (550 triệu USD), thấp hơn con số mà bà Lan đã khai tại tòa. Viva Land thành lập từ năm 2020, có trụ sở tại Singapore.
Viva Land từng được giới bất động sản nhắc đến là doanh nghiệp có mối liên hệ với Vạn Thịnh Phát. Trên website chính thức của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trước đó cũng xuất hiện thông tin Viva Land là đối tác. Website của Vạn Thịnh Phát giới thiệu: “Viva Land là công ty quản lý và phát triển bất động sản.
Tại thời điểm cuối tháng 4/2022, một pháp nhân kín tiếng là CTCP Sài Gòn Helios sở hữu 45% cổ phần của CTCP Twin-Peaks.
Khách sạn Daewoo Hà Nội – biểu tượng một thời của Hà Nội
Khách sạn Daewoo Hà Nội – tài sản vừa được bà Lan đề nghị rao bán để khắc phục hậu quả. Đây là khách sạn 5 sao nổi tiếng ở Hà Nội. Khách sạn này được xây dựng vào năm 1996, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cựu Chủ tịch Daewoo Kim Woo-choong. Sau khi hoàn thành, khách sạn Dewoo Hanoi đã trở thành một biểu tượng của Thủ đô bởi quy mô hoành tráng bậc nhất thời bấy giờ.
Tọa lạc tại “đất vàng” nơi trung tâm cửa ngõ phía tây TP.Hà Nội với 411 phòng, Dewoo Hanoi không chỉ là khách sạn lớn nhất tại Thủ đô mà còn thu hút giới doanh nhân và chính khách bởi một lối kiến trúc cổ điển mang nét đẹp sang trọng, tinh tế. Khách sạn Daewoo từng đón tiếp các chính trị gia lớn như cựu Tổng thống Mỹ Clinton, Tổng thống Nga Putin.
Năm 2015, CTCP Bông Sen – một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã chi khoảng 3.650 tỷ đồng để mua lại 51% vốn của Daeha – doanh nghiệp sở hữu tổ hợp khách sạn, cao ốc ăn phòng Daewoo, tương ứng định giá tổ hợp này lên đến gần 7.200 tỷ đồng (320 triệu USD).
Ngoài ra, Bông Sen còn sở hữu hàng loạt nhà hàng khách sạn hạng sang tại Tp.HCM. Kể tên bao gồm Khách sạn Palace Sài Gòn, Khách sạn Bông Sen Sài Gòn, Khách sạn Bông Sen Annex, Nhà hàng Lemongrass, Nhà hàng Buffet Gánh, Nhà hàng Lion, Nhà hàng Vegetarian…
Nắm giữ hàng loạt bất động sản tại khu vực Nguyễn Huệ – Đồng Khởi
Được biết, hầu hết các tên tuổi liên quan Vạn Thịnh Phát đều hoạt động trong mảng bất động sản với loạt dự án đắc địa; tập trung tại cung đường Nguyễn Huệ (nơi đặt trụ sở chính Vạn Thịnh Phát), Đồng Khởi cùng các địa điểm xung quanh ở trung tâm Sài Gòn (quận 1, quận 3…).
Nằm ở vị trí đắc địa nhất Tp.HCM, sau khi phố đi bộ được đưa vào hoạt động thì giá trị của các dự án dọc đường Nguyễn Huệ tăng lên gấp bội. Những dự án tầm cỡ mọc lên ngày một nhiều dọc tuyến đường và cũng không ít chủ đầu tư muốn sở hữu “bộ sưu tập đất vàng” tại đây.
Báo cáo của Cushman & Wakefield xếp đường Đồng Khởi là con phố có mặt bằng bán lẻ cao thứ 13 thế giới giới. Giá thuê tại đường Đồng Khởi là 390 USD/feet vuông/năm (khoảng 101 triệu đồng/m2/năm), tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số những công ty sở hữu bất động sản/có hoạt động kinh doanh được nêu trực tiếp trong kết luận điều tra, có CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam sở hữu khu phức hợp gồm 2 tòa tháp đôi là khách sạn – khu căn hộ cao cấp. Đây là một trong những tòa nhà cao tầng nổi bật nhất khu vực trung tâm Tp.HCM.
Tòa nhà có 2 mặt chính hướng ra cả đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi.
Công ty Vinametric: Saigon Prince Hotel
Nằm đối diện với Times Square ở bên kia đường Nguyễn Huệ là Saigon Prince Hotel (tên cũ Duxton Hotel), được phía VTP mua lại từ nước ngoài với giá khoảng 50 triệu USD.
Cũng nằm trên đường Nguyễn Huệ còn có khách sạn Palace Hotel Saigon thuộc quản lý của CTCP Bông Sen.
Cty TNHH Union Square – Khu phức hợp Union Square
Nằm ở vị trí “đất kim cương” 4 mặt tiền đường Đồng Khởi – Lê Lợi – Nguyễn Huệ – Lê Thánh Tôn ngay trung tâm quận 1, tập trung đông đúc du khách, nhưng Union Square ở trong trạng thái vắng vẻ.
Trung tâm này nằm trên khu đất đắt đỏ, đắc địa giữa TP.HCM có diện tích khoảng 8.800 m2, tổng diện tích sàn lên đến 91.000m2, quy mô 6 tầng hầm và 9 tầng nổi, trong đó có 5 tầng nổi là khách sạn 5 sao.
CTCP XNK hàng Tiểu thủ công nghiệp Sài Gòn (Artex Saigon) – tòa nhà Opera View
Opera View tọa lạc đối diện Nhà hát thành phố, ngay góc đường danh vọng Lê Lợi và Đồng Khởi tại trung tâm thành phố và được bao quanh bởi những khách sạn 5 sao nổi tiếng và các khu trung tâm mua sắm sầm uất nhất Sài gòn.
Tòa nhà này là một trong những địa điểm kinh doanh hàng hiệu nổi tiếng.
Công ty TNHH MTV Khách sạn Quốc tế Thiên Phúc là chủ sở hữu khách sạn 4 sao Novotel Saigon Centre (quy mô 247 phòng tại số 167 Hai Bà Trưng, quận 3, Tp.HCM).
CTCP Sài Gòn Kim Cương – SJC Tower
SJC Tower dự kiến khởi công trên khu đất có 4 mặt tiền là đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Trung Trực, diện tích gần 4.000 m2. Chủ đầu tư dự án là CTCP Sài Gòn Kim Cương.
CTCP Sài Gòn One Tower – Tòa nhà Saigon One Tower 34 Tôn Đức Thắng
Saigon One Tower được xem là một trong những dự án có vị trí đắc địa bậc nhất TPHCM khi nằm trên khu đất vàng rộng hơn 6.600 m2 tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi (Quận 1, Tp.HCM) nhưng có số phận khá hẩm hiu.
Toạ lạc tại quận 5, An Đông Plaza – Winsor Hotel (18 đường An Dương Vương, quận 5, Tp.HCM) có tổng vốn đầu tư hơn gần 1.300 tỷ đồng với tòa nhà cao 25 tầng và trung tâm thương mại, hội nghị.
Trong đó, Windsor Hotel là khách sạn đầu tiên do tư nhân Việt Nam đầu tư và quản lý, đạt tiêu chuẩn 5 sao của Tổng cục Du lịch Việt Nam, bao gồm 400 phòng lưu trú, trung tâm thương mại, các nhà hàng đặc sắc, phòng hội nghị có sức chứa đến 1.800 người và nhiều tiện nghi giải trí.
Thời điểm hiện tại, An Đông Plaza – Winsor Hotel vẫn hoạt động bình thường.
Một dự án khác là Thuận Kiều Plaza được CTCP An Đông mua lại vào năm 2015. Dự án là một khu cao ốc gồm 3 tầng có tổng diện tích sàn trên 24.000m2, trong đó diện tích kinh doanh 13.000m2 với nhiều tiện ích, dịch vụ, trong đó có cả nhà hát Théatre de ChoLon. Sau khi về tay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án đã được đổi tên là The Garden Mall và được đồn đoán sẽ bị đập bỏ toàn bộ để thay bằng một dự án khác.
CTCP Minerva – Biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần
Căn nhà được xây dựng trên khu đất 2.819m2 theo kiến trúc Pháp cổ, là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000m2.
Vào năm 2013, khi thị trường bất động sản diễn ra sôi động, căn biệt thự trên 100 tuổi này được rao bán với giá 47 triệu USD. Nhưng đến năm 2015, CTCP Minerva đã mua thành công với giá trị 35 triệu USD (khoảng hơn 700 tỷ đồng theo tỷ giá giai đoạn đó).
Bên cạnh những dự án bất động đắc địa ở khu vực Nguyễn Huệ – Đồng Khởi đang được khai thác như Times Square, Opera View, Union Square, một số khách sạn… thì hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát cũng sở hữu loạt dự án đồ sộ đang bỏ hoang hoặc nằm trên giấy.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/can-canh-cac-toa-nha-kim-cuong-trong-tay-van-thinh-phat-toan-vi-tri-dac-dia-nhat-ha-noi-va-tphcm-nguoi-dan-ai-cung-di-qua-nhung-chua-chac-da-biet-176240318062522096.chn