Có thể thấy, làn sóng ăn theo quy hoạch và thông tin dự án lớn đang tác động tích cực đến bức tranh thị trường BĐS khu Nam Tp.HCM. Đây là lần thứ 2 sau Covid -19, khu vực này được nhắc đến bởi lộ diện các thông tin lạc quan về dự án, quy hoạch – vốn âm thầm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư mua bán cũng như tâm lý của nhà đầu tư khi tham gia thị trường BĐS.
Theo chủ trương Đề án đầu tư của UBND Tp.HCM, trong giai đoạn 2021 – 2030, bốn huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn, Củ Chi sẽ được định hướng phát triển từ huyện lên quận hoặc thành phố trực thuộc Tp.HCM. Riêng Nhà Bè dự kiến sẽ trở thành đô thị vệ tinh như khu vực Phú Mỹ Hưng quận 7.
Mới đây nhất, ngày 30/6/2022, UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của Tp.HCM”. Theo đó, các chuyên gia kiến nghị, huyện Nhà Bè phát triển lên thẳng thành phố thuộc Tp.HCM thay vì lên quận. Thông tin này lần nữa tạo tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS khu vực này.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Tp.HCM cho rằng, huyện Nhà Bè có nhiều lợi thế như về sông nước, về mảng xanh, nghỉ dưỡng và phát triển du lịch sinh thái. Những lợi thế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện này phát triển thành Thành phố vệ tinh của Tp.HCM thay vì chuyển lên quận.
Còn theo TS Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia Tp.HCM, Nhà Bè cần được định hình là một phần của Khu đô thị thông minh sinh thái dựa trên vành đai sông, hướng biển và vệ tinh phát triển phía Nam Tp.HCM, gắn liền không gian phát triển Nhà Bè-quận 7. Thời gian tới, Nhà Bè cần phát triển giao thông đường thủy để kết nối với quận 1 qua bến Bạch Đằng, tận dụng lợi thế của quận 7 là nơi có nhiều công ty công nghệ của Việt Nam để đẩy mạnh không gian số, kinh tế số.
Thông tin quy hoạch hiện hữu đang khiến BĐS khu Nam Sài Gòn rục rịch trở lại
Cũng như TP. Thủ Đức, huyện Nhà Bè đã và đang chuẩn bị những điều kiện nhất định để trở thành đô thị vệ tinh. Như vậy, 5 huyện ngoại thành Tp.HCM là Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn đang đặt mục tiêu lên thành phố vào năm 2030. Theo kế hoạch, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc Tp.HCM) giai đoạn 2021-2030 trình UBND Tp.HCM trước ngày 30/9. Sau đó, UBND Tp.HCM sẽ chốt địa phương nào lên quận hoặc thành phố.
Cùng với thông tin quy hoạch, mới đây, siêu dự án GS Metrocity Nhà Bè quy mô gần 350 ha xuất hiện tại khu vực này đang tạo độ “nóng” cho thị trường BĐS khu Nam. Đây là dự án nằm trên địa bàn xã Phước Kiển, lớn nhất khu Nam Sài Gòn tính đến thời điểm hiện tại. Động thái “nhá hàng” của siêu dự án này đang khiến nhiều NĐT chú ý đến thị trường Nhà Bè nói riêng, khu Nam nói chung sau thời gian khá im ắng.
Đánh giá về BĐS khi Nam, chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho biết, so với khu Đông đang tăng trưởng mạnh, khu Nam lại có giá đi ngang, phù hợp để phát triển bền vững, tạo điều kiện để người dân dễ dàng sở hữu một sản phẩm vừa túi tiền. “Giá đất khu Đông tăng quá đột biến, vô tình khiến khu vực Nhà Bè, Bình Chánh trở thành điểm thu hút về giá. Điều này đã tạo sự chú ý cho các nhà đầu tư hướng về vùng đất này”, ông Quang nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, chia sẻ tại cuộc tọa đàm mới đây, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Tp.HCM cho rằng, khác với phía Bắc hay phía Đông vốn có sự phát triển thăng trầm, lúc bùng nổ, lúc im ắng, thì vùng đất phía Nam thành phố lại có lịch sử hình thành trong dài hạn, mỗi năm diện mạo đô thị tại đây lại thay đổi. Nam Sài Gòn chính là minh chứng cho quá trình đô thị hóa của Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Theo PGS Hoà, tương lai của vùng đất này được xem là tạo ra nhiều hấp lực mạnh mẽ. Với ba đô thị sinh thái được xem là nam châm hút vốn đầu tư tại Cần Giờ, Hiệp Phước và các giai đoạn tiếp theo của Phú Mỹ Hưng tại quận 7, hạ tầng kỹ thuật, giao thông cũng sẽ thay đổi rất lớn.
“Khu Nam Sài Gòn là vùng đất đẹp nhất phía Nam, đặc biệt là sự hiện diện của các khu dân cư kiểu mẫu đã được Bộ Xây dựng đánh giá cao. Tp.HCM cũng công bố bảng điều chỉnh quy hoạch năm 2040 tầm nhìn đến 2060 sẽ điều chỉnh một số hướng phát triển, trong đó hướng Nam được chú trọng sẽ hướng về kết nối ra biển đông”, PGS TS Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh.
Cùng với đó, dự án lớn xuất hiện và hạ tầng giao thông đang đầu tư, mở rộng cũng tác động rất lớn đến thị trường BĐS khu vực này sau thời gian im ắng.
Theo khảo sát, hiện, các dự án bất động sản tại quận 7 đều được phát triển dọc theo tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Hữu Thọ và bắt đầu kéo dài đến Nguyễn Thị Thập – tất cả đều phù hợp theo chủ trương quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, Nhà Bè, xã Phước Kiển hay rộng hơn là các vùng ven quận 7 vẫn còn nhiều đất trống, lợi thế quỹ đất lớn và biên độ tăng giá vẫn còn rộng. Vì thế, trong thời gian tới, cùng với sự thay đổi bộ mặt đô thị và hạ tầng – giao thông vận tải, thị trường BĐS khu Nam Sài Gòn sẽ tiếp tục có nhiều phát triển bứt tốc. Đặc biệt, cùng với Phú Mỹ Hưng sẽ hình thành nên các khu đô thị kiểu mẫu, tạo nguồn cung đa dạng đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân.
Ngoài ra, loạt dự án hạ tầng của Khu Nam Sài Gòn đã được đưa vào lộ trình phê duyệt đang tạo đòn bẩy cho thị trường BĐS khu vực này. Chẳng hạn như hệ thống hầm chui, cầu vượt tại ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) chính thức khởi công giai đoạn 1. Ngoài ra, 2 dự án trọng điểm là cầu Thủ Thiêm 3 (nối từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Q.2 qua Q.4) và cầu Thủ Thiêm 4 (kết nối giữa Q.2 qua Q.7) với quy mô đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cũng đang được TP đẩy nhanh thực hiện.
Hay loạt các dự án trọng điểm khác tại khu vực này như cầu Nguyễn Khoái, Q.7 kết nối với Q.4 (vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng), dự án mở rộng đường Nguyễn Tất Thành (Q.4), dự án đường trục Bắc – Nam kết nối khu vực trung tâm với các Q.4, 7 và huyện Nhà Bè có tổng kinh phí dự trù hơn 8.500 tỷ đồng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Ước tính, sắp tới khu Nam Sài Gòn sẽ dòng vốn lên đến 5 tỷ USD cho hạ tầng và đầu tư công.
Những tín hiệu tích cực đang thúc đẩy dòng tiền của nhà đầu tư hướng vào BĐS khu Nam mạnh mẽ kể từ sau Tết đến nay. Trong tương lai, khu Nam được đánh giá tiếp tục là khu vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Báo cáo mới đấy nhất của Chợ Tốt Nhà cũng đã chỉ ra những tín hiệu rục rịch của thị trường BĐS khu Nam Tp.HCM sau các thông tin về hạ tầng, dự án. Theo đó, trong tháng 6/2022, chỉ số về lượt tìm kiếm cũng như tỷ lệ liên lạc để thực hiện giao dịch các loại hình nhà ở, đất nền tại huyện Nhà Bè (Tp.HCM) có tốc độ tăng trưởng tốt. Tổng lượt tìm kiếm về tin đăng tại khu vực huyện Nhà Bè đạt mức cao nhất trong giai đoạn tháng 3/2022 ngay sau Tết đối với tất cả các loại hình nhà, đất. Sau đó giảm nhẹ từ tháng 4/2022 và duy trì lượng tìm kiếm cho đến tháng 5/2022.
Cùng với tỉ lệ tìm kiếm cao thì nguồn cung cũng có dấu hiệu rục rịch. Theo Chợ Tốt Nhà, nguồn cung xét trong khoảng thời gian từ đầu năm đến hiện tại, với mức tăng trung bình là 9.5% cho loại hình căn hộ chung cư, 8.4% cho loại hình nhà đất và 10.5% cho đất nền. Trong đó, cả lượt tìm kiếm và nguồn cung về nhà đất dẫn đầu tại khu vực huyện Nhà Bè. Đây cũng là loại hình được tìm kiếm nhiều nhất. Riêng loại hình căn hộ chung cư, khu vực xã Phước Kiển luôn chiếm trên 85% tổng nguồn cung tại huyện Nhà Bè.
https://cafef.vn/thi-truong-bat-dong-san-khu-nam-sai-gon-hien-nay-the-nao-20220703005746445.chn