Động thái này càng cho thấy các nhà chức trách nước này lo ngại về khả năng lây lan từ cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande.
Nguồn tin cho hay, tháng trước, các nhà quản lý ngân hàng Trung Quốc đã yêu cầu một số ngân hàng lớn đẩy nhanh việc phê duyệt các khoản vay mua nhà trong quý trước. Các ngân hàng cũng được phép bán các chứng khoán được bảo đảm bằng nhà mua thế chấp (vốn bị cấm hồi đầu năm) để giải phóng hạn ngạch cho vay.
Các động thái này diễn ra trong bối cảnh gia tăng cảnh báo về cuộc khủng hoảng nợ tại Evergrande đang lan sang các lĩnh vực khác khi Trung Quốc duy trì các biện pháp thắt chặt nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản. Nỗi lo về khả năng sụp đổ dây chuyền trên thị trường bất động sản Trung Quốc tăng lên trong 2 tuần qua sau vụ vỡ nợ bất ngờ của Tập đoàn Fantasia Holding hôm 14/10 và cảnh báo sắp vỡ nợ của Tập đoàn Sinic Holding.
Ông Raymond Cheng – Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc và Hồng Kông tại CGS-CIMB Securities – cho rằng mặc dù động thái mới nhất này là tích cực cho các nhà phát triển bất động sản, nhưng không giải quyết được các vấn đề thanh khoản của họ.
Theo ông, các nhà quản lý cũng nên nới lỏng các chính sách đối với các khoản vay dự án và thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước, vì nguồn tài chính vay nợ từ nước ngoài hiện tại gần như ngừng hoạt động.
Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng 9 khi những yếu kém trên thị trường bất động sản đè nặng lên các hoạt động tài chính và cho vay, bất chấp ngân hàng trung ương nước này kêu gọi tăng tín dụng một cách ổn định.
Trước đó, tại cuộc họp do Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Dịch Cương chủ trì vào cuối tháng 9, cơ quan quản lý ngân hàng nước này đã yêu cầu 24 tổ chức tài chính hợp tác với chính phủ Trung Quốc để “cùng nhau duy trì sự phát triển ổn định và lành mạnh trên thị trường bất động sản, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người mua nhà”.