Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về Báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) của Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường 2 đầu cầu.
Theo đó, điểm đầu của dự án là tại Km3+505 – đường Kỳ Vũ (điểm cuối của dự án xây dựng đường vành đai 3,5 từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32). Điểm cuối tại Km8+900, giao lộ với Quốc lộ 23B tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Cầu Thượng Cát sẽ có tổng chiều dài 5,4km, bắc qua sông Hồng, nối huyện Bắc Từ Liêm và huyện Đông Anh. Theo nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất xây dựng mặt cắt ngang cầu hoàn chỉnh cho giai đoạn hoàn thiện 8 làn xe (6 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp).
Tốc độ thiết kế của tuyến khoảng 80 km/h, đảm bảo toàn tuyến Vành đai 3,5 từ phía Nam đến phía Bắc sông Hồng thông suốt. Cầu được thiết kế tại vị trí này nhằm giảm tải giao thông trên tuyến 70, đường vành đai 3, quốc lộ 32.
Mục tiêu của dự án là đảm bảo đồng bộ, thông suốt, kết nối toàn bộ đường Vành đai 3.5 từ Nam ra Bắc sông Hồng; Mở thêm các tuyến đường nối phía Tây và Tây Nam Thủ đô giữa các huyện phía Bắc và phía Nam sông Hồng; góp phần kết nối với các tuyến đường khung quan trọng của Thủ đô.
Cầu được thiết kế tại vị trí này nhằm giảm tải giao thông trên tuyến 70, đường vành đai 3, quốc lộ 32.
Ngoài ra, cây cầu còn tạo ra tiềm năng kinh tế và gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực tuyến đường đi qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường an ninh, quốc phòng của khu vực. Các huyện: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì, Hà Đông, Hoài Đức và các địa phương phía Bắc sông Hồng nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Về thời gian thực hiện dự án, theo chủ đầu tư, dự kiến, dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát và đường 2 đầu cầu sẽ khởi công vào quý 4 năm 2024 và vận hành vào năm 2028 sau 4 năm thi công.
Dự án cầu Thượng Cát có tổng vốn đầu tư gần 8.300 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố Hà Nội. Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Giao thông Thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Cầu Thượng Cát là một trong 10 cầu bắc qua sông Hồng nằm trong Quy hoạch GTVT Hà Nội, triển khai giai đoạn 2015-2030.
9 cầu còn lại gồm: Hồng Hà, Mễ Sở (vòng 4), Thăng Long mới (vòng 3), Tứ Liên, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Ngọc Hồi (vòng 3,5), cầu/hầm Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên cầu Vạn Phúc (trục Bắc – Nam nối tỉnh Vĩnh Phúc).
Link nguồn: https://cafef.vn/sieu-cau-gan-8300-ty-bac-qua-song-hong-rong-8-lan-xe-noi-bac-tu-liem-voi-huyen-dong-anh-ha-noi-du-kien-van-hanh-vao-nam-2028-188240408112435966.chn