Nhà đầu tư chạy shipper kiếm tiền trả nợ
Nhìn xung quanh bạn bè ai cũng sắm xe sang, đổi đời từ bất động sản, dù nhiều lần tự nhủ sẽ không tham gia vào cuộc chơi này bởi không có kinh nghiệm cũng như vốn mỏng, tuy nhiên, trong vòng xoáy của cơn sốt đất tại các vùng ven TP. Vinh như Hưng Lộc, Nghi Thái, Nghi Phong…, trung tuần tháng 3/2021, anh Khoa (32 tuổi – TP. Vinh) nghe môi giới tư vấn, giá đất ở những vùng này đang tăng vù sau khi có quy hoạch mở rộng thành phố, việc có chủ đất hưởng chênh hàng trăm triệu đồng chỉ trong thời gian ngắn nhờ giá đất lên khiến anh Khoa cũng muốn thử một lần ‘làm giàu từ bất động sản’.
Sau khi bàn bạc với vợ về viễn cảnh ‘làm giàu không khó’, anh Khoa chấp nhận mạo hiểm, thế chấp căn hộ đang ở cho ngân hàng để vay 500 triệu đồng với dự tính lướt sóng.
Sau vài phi vụ đầu tiên thành công với một người bạn là “nhà môi giới tự phát”, anh Khoa đã lấy số tiền còn lại đầu tư vào những “dự án” theo kiểu được ăn cả ngã về không. Cùng với hai “đồng nghiệp” gom lại được 1,8 tỷ đồng, cả ba mua một thửa đất với tổng diện tích 320m2 tại xã Nghi Thái sau đó tách thành bốn lô nhỏ canh thị trường để bung hàng.
Những ngày đầu, thấy hàng chục cò đất đến tìm hiểu và ra giá nhưng cả ba bàn nhau không thực hiện giao dịch mà chờ đến lúc “chạm đỉnh” mới “ra hàng” bởi thấy hiện tượng sốt đất nhảy múa từng ngày.
Tuy nhiên, mọi dự định của anh Khoa và những người bạn đành dang dở khi thị trường bất động sản đột ngột hạ nhiệt, cùng với việc dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại vào đầu tháng 4, mọi giao dịch chững lại. Dù đã đăng thông tin để bán cắt lỗ nhưng đến nay thửa đất của anh Khoa vẫn chưa có khách hàng tìm đến trong lúc tiền lãi ngân hàng đều đặn phải trả hàng tháng, anh phải chạy shipper kiếm tiền trả nợ.
May mắn hơn anh Khoa, nhưng chị Nhung (phường Trường Thi) cũng rơi vào hoàn cảnh vừa cắt lỗ tới 150 triệu mảnh đất mới mua cách đây 3 tháng tại xã Nghi Phong (TP. Vinh).
Kể về lý do mua mảnh đất này, chị Nhung tâm sự, tháng 3, chị theo một người bạn đi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các vùng thị trường bất động sản đang diễn ra rầm rộ. “Khi nghe môi giới tư vấn rất hấp dẫn, lại thấy cam kết chắc chắn về tỷ suất sinh lời, tôi cảm thấy khá thích thú dù ban đầu bản thân chưa có ý định đầu tư bất động sản. Đặc biệt, môi giới giới thiệu những nhân vật đã kiếm chênh 120 triệu trong một tuần. Có nhân chứng thế này, tôi tin thực sự nên tôi cũng quyết định đặt cọc 50 triệu cho một lô đất 850 triệu đồng”, chị Nhung kể.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng xuống tiền vào mảnh đất này, chị Nhung mới phát hiện ra, lô đất mình mua đúng vào thời điểm “sốt ảo”, giá cao hơn so với thị trường đến 100 triệu đồng/lô. Chưa kể, mảnh đất chị mua nằm ở con ngõ nhỏ, khu vực dân cư thưa thớt, khả năng thanh khoản không tốt.
Đến cuối tháng 6 vừa rồi, chị Nhung đành phải cắt lỗ thấp hơn giá thị trường để đẩy hàng vì nghĩ đến việc phải ôm đống nợ ngân hàng mua đất kéo dài.
“Tôi chấp nhận mất 180 triệu và coi như là bài học cho mình. Vì tôi mua cọc của cọc nên đến chủ đất tôi cũng không biết là ai”, chị Nhung tâm sự.
Vì sao nhiều F0 “chết chìm” sau cơn sốt ảo?
Ông Nguyễn Anh Tiệp, Giám đốc sàn BĐS Đất vàng Bình Thuận cho hay, theo dõi thị trường bất động sản, sau mỗi cơn sốt đất nhiều người không kịp nhảy khỏi đỉnh sóng đành chịu phận “chết chìm”. Họ chủ yếu là nhà đầu tư F0 thiếu kinh nghiệm, đầu tư theo tâm lý đám đông, mua vào lúc giá đã lên đỉnh.
Ngoài ra, ông Tiệp nhận định, trong số những F0 đó, giới cò đất cũng chiếm số lượng không nhỏ. Theo ông Tiệp, 100 người làm “cò đất” thì chắc có tới 99 người cũng tham gia đầu cơ đất. Giới “cò đất” thường rất hiểu địa bàn, tiếp cận trực tiếp với người bán và người mua và không thiếu chiêu trò thổi giá nhưng khó thoát khỏi tâm lý đầu tư theo đám đông.
“Thị trường sôi động, có ngày một môi giới có thể chốt 5-7 giao dịch, kiếm được hàng chục triệu đồng hoa hồng. Nhiều người lại nảy lòng tham ôm đất để bán giá chênh lệch. Tuy nhiên, khi thị trường trầm lắng, nhiều người không cân đối được tài chính do phải đi vay mượn nhiều, trong khi đó đất bán không được, dẫn tới nợ nần”, ông Tiệp cho biết thêm.
Làm trong nghề đầu tư, môi giới bất động sản lâu năm, anh Cao Cự Thành (phường Quán Bàu, TP. Vinh) chia sẻ: “Đa số những trường hợp mắc cạn và bán cắt lỗ là những nhà đầu tư tay ngang. Trường hợp nhà đầu tư chuyên nghiệp bán cắt lỗ rất hiếm khi xảy ra. Anh Thành cho rằng, những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ đầu tư theo kế hoạch, có sự tính toán kỹ lưỡng về vị trí, tiềm năng sinh lời của lô đất. Họ cũng lường trước một phần được tình hình dịch bệnh kéo dài và phương án đầu tư an toàn trong thời điểm khủng hoảng. Thế nên, khi đầu tư, họ xác định kinh doanh lâu dài”.
Trong khi đó, về đặc tính của nhóm F0, anh Thành phân tích, những người mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản đều “tham làm giàu”, non kinh nghiệm. Họ đầu tư theo cảm xúc. Họ bị dẫn dắt bởi những câu chuyện của môi giới nên đầu tư mà không tìm hiểu giá cả thị trường xung quanh. Họ không so sánh cùng vị trí như vậy, giá đất thế nào? Họ cũng bỏ qua cả việc xem lô đất nằm ở đâu, ra sao? Họ thường mua đất ở thời điểm giá đất đã lên cao.
Trao đổi với Nhadautu.vn, anh Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sàn BĐS Hoàng Tú có địa chỉ tại Nghi Phú, TP. Vinh cho biết, thị trường đất nền các xã vùng ven TP. Vinh như Nghi Thái, Nghi Phong, Nghi Đức, Hưng Lộc… tại thời điểm sốt đất có giá giao động từ 6-9 triệu đồng/m3 tùy vào vị trí, đến nay đã giảm từ 2-3 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư tay ngang ôm hàng chờ lướt sóng, bán chênh chưa thể rút chân ra khỏi bởi ai cũng biết cơn sốt rồi sẽ qua, sẽ đến lúc thị trường chững lại nhưng các nhà đầu tư luôn tin tưởng mình sẽ thoát kịp và kết quả là “chết chìm” khi cơn sốt đất hạ nhiệt.
Cơn sốt đất như một cơn gió, đến nhanh và cũng tan nhanh, khi nó qua đi cũng là lúc thị trường chứng kiến cảnh “kẻ cười, người khóc”, có người bỗng dưng được biếu không cả trăm triệu khi các nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc để rút chân khỏi vụ đầu tư hụt nhưng cũng có người “chết chìm” vì gán cả tài sản vào ngân hàng.