Không bán được hoặc giảm giá sâu để thoát hàng là tình trạng chung của các nhà đầu tư, trong đó phần lớn là những nhà đầu tư “tay ngang”. Họ tham gia vào thị trường khi nó nóng và chờ giá tăng để kiếm lời. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường khiến nhiều nhà đầu tư khó lường.
Giai đoạn 2019-2021, khi thị trường BĐS sôi động, một số khu vực nóng cục bộ cũng là lúc nhiều nhà đầu tư xuống tiền với BĐS. Đây cũng là giai đoạn “bế tắc” nhất của các nhà đầu tư này. Hầu hết họ đều tham gia thị trường một cách vội vã với kỳ vọng giá bất động sản sẽ tăng lên gấp bội để chốt lời. Tuy nhiên, diễn biến thị trường hiện nay không như kỳ vọng, kết hợp với lãi suất cao khiến nhiều nhà đầu tư đuối sức.
“Tìm đường bán tháo” có lẽ là cụm từ phù hợp để miêu tả tình trạng nhà đầu tư ôm đất, nợ ngân hàng. Thậm chí, có một vài trường hợp không nợ ngân hàng nhưng vẫn thiếu dòng tiền do kinh tế khó khăn, cũng bán lỗ.
Đáng chú ý, mức độ sụt giá bất động sản tăng dần. Những nhà đầu tư ôm đất trắng tay giờ chấp nhận mất tiền tỷ với hy vọng thoát hàng. Giá giảm hiện cao hơn 20-30% so với kỳ vọng trước đó. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể cắt lỗ.
Ghi nhận cho thấy, hầu hết các nền đất hoặc nhà rao bán có giá từ 800 triệu đến 1,5 tỷ đồng/sản phẩm, phần lớn rơi vào nhóm nhà đầu tư cạn kiệt tài chính. Họ chấp nhận mất tiền tỷ để bán thay vì ôm nợ ngân hàng. Nhóm nhà đầu tư này theo các môi giới đang có dấu hiệu gia tăng từ vài tháng trở lại đây. Trước đó, những nhà đầu tư này đã giảm lãi từ 100-300 triệu đồng nhưng lực mua phản ứng chậm. Họ đã chấp nhận giảm thêm, lên đến hàng tỷ đồng/sản phẩm với hy vọng hàng về nhanh.
Theo một môi giới nhà đất tại khu Đông TP.HCM, hiện có giao dịch đất nền hoặc nhà phố giảm giá sâu. Tuy nhiên, giao dịch vẫn khá chậm do người mua quan sát giá nhiều hơn. Chưa kể, thị trường không có quá nhiều sản phẩm BĐS giảm giá hàng tỷ đồng. Những trường hợp này chủ yếu rơi vào nhóm nhà đầu tư thực sự cần dòng tiền gấp. Mức giảm phổ biến trên thị trường BĐS hiện nay theo môi giới này là từ 200-500 triệu đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có sản phẩm chủ đầu tư gửi bán nhưng không giảm giá so với giá mua, thậm chí giá còn tăng.
“Hiện nhiều nhà đầu tư phải trả 30-40 triệu đồng tiền gốc và lãi mỗi tháng nên khá đuối sức. Hầu hết nguồn hàng giảm sâu nhận được thời điểm này là từ nhà đầu tư có đòn bẩy. Họ mua vào thời điểm giá khá cao (giai đoạn 2019-2020) nên phần lớn khi bán ra là giá thật chứ không phải giảm giá”, môi giới này nói thêm.
Những nhà đầu tư giữ nguồn hàng chờ thị trường phần lớn là nhà đầu tư dài hạn, ít sử dụng vốn vay ngân hàng. Các trường hợp giảm giá sâu chủ yếu xảy ra ở các nhà đầu tư mới tham gia thị trường; sử dụng vốn vay từ 40-50% giá trị sản phẩm.
Ghi nhận cho thấy, giá đất nền vùng ven TP.HCM và các tỉnh lân cận liên tục giảm. Lực mua yếu do hoạt động đầu tư tương đối ít. Các nhà đầu tư sẵn sàng tiền mặt ở giai đoạn này chủ yếu quan tâm đến các sản phẩm có giá sâu hoặc vị trí tốt.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/nha-dau-tu-tay-ngang-chap-nhan-mat-tien-ti-de-thoat-hang-176230625111542207.chn