Từ trầm lắng…đến bế tắc
Bất động sản Đà Nẵng từng trở thành “tâm điểm” trên thị trường bất động sản giai đoạn 2015 đến 2018, nhất là phân khúc du lịch nghỉ dưỡng. Đó cũng là giai đoạn thị trường bùng nổ các dự án condotel, biệt thự biển. Những cơn sốt đất liên tục diễn ra khiến giá BĐS tăng chóng mặt.
Đất ở các khu vực ven trung tâm TP Đà Nẵng thời điểm đó luôn nóng bỏng tay.Những khu vực vốn sôi động nhất thuộc Nam Đà Nẵng gồm khu Hòa Xuân, quận Ngũ Hành Sơn, khu vực đất nền thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Có những lô đất 100m2 ở Hòa Xuân đã được đẩy lên giá cao đỉnh điểm vào năm 2018 đến 6 tỉ đồng.
Tuy nhiên, bước sang năm 2019, thị trường BĐS Đà Nẵng bắt đầu rơi vào những “cơn nóng lạnh” bất thường, sau đó chìm vào ảm đạm, trầm lắng. Giá nhà đất trong năm 2019 giảm đáng kể, từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng với những lô đất trên dưới 100m2.
Năm 2020, thị trường Đà Nẵng tiếp tục khó khăn, đặc biệt là BĐS du lịch vắng bóng dự án mới, giao dịch ảm đạm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Báo cáo nghiên cứu thị trường của DKRA cho rằng, BĐS Đà Nẵng 7 tháng đầu năm 2020 rơi vào tình trạng bế tắc.
Một báo cáo thị trường rất đáng chú ý mới đây của Batdongsan.com.vn, cho thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường BĐS Đà Nẵng. Giá đất nền khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam ước chừng giảm 30 – 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tìm kiếm và giao dịch nhà đất tại thị trường Đà Nẵng – Quảng Nam đã giảm 63% – 73% so với cùng kỳ 5 năm trước.
Cụ thể, những khu trước đây luôn nóng sốt như Hòa Hải, Phú Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) giảm từ 40 – 45 triệu đồng/m2 còn 30 – 32 triệu đồng/m2; khu vực Nam Cẩm Lệ giảm từ 30 triệu đồng/m2 xuống còn 25 – 26 triệu đồng/m2. Đặc biệt, một số khu vực như Hòa Xuân, Nam Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), mức giảm lên tới 35 – 40%.
Một nhà đầu tư tại TP Đà Nẵng, cho biết năm ngoái lô đất 100m2 ở khu vực Nam Hòa Xuân có giá trên dưới 2 tỷ đồng thì nay chỉ còn khoảng 1,6 tỉ đồng.
Ở phân khúc căn hộ, nhà phố và biệt thự thì gần như đóng băng. Nguồn cung mới khan hiếm do nhu cầu thị trường yếu, ít giao dịch. Theo DKRA, số lượng căn hộ mới bán ra chỉ vào khoảng 150 căn, còn tỉ lệ hấp thụ đạt 42% bằng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn nhà phố và biệt thự thị không có nguồn cung mới mở bán. Thị trường condotel và biệt thự nghỉ dưỡng cũng kém sôi động hẳn, tỉ lệ hấp thụ thấp nhất trong 5 năm qua, gần như không có giao dịch ở loại hình biệt thự nghỉ dưỡng.
Cơ hội xuất hiện, dòng tiền chờ bắt đáy
Tình hình ảm đạm, giá giảm mạnh khiến việc giao dịch giữa người mua có lợi thế hơn trong thương thảo. Anh Nghĩa – một nhà đầu tư tại Hà Nội, cho biết kể từ khi dịch bệnh bùng phát, anh quan tâm hơn đến kênh đầu tư là bất động sản thay vì gửi tiền tiết kiệm vì lãi suất thấp. Thế nhưng, lăn lộn suốt nhiều tháng qua trên khắp các TP lớn như Nha Trang, Đà Nẵng, Hà Nội, Tp.HCM, Đà Lạt, Quảng Ninh,…để tìm mua nhưng anh Nghĩa vẫn chưa thể tìm được tài sản ưng ý.
Theo nhà đầu tư này lý giải thì thời gian qua thực tế BĐS ở mỗi TP khác nhau, có nơi thì giá vẫn tăng, thậm chí là “nóng sốt” còn một số nơi thì trầm lắng, giá giảm những mặt bằng giá vẫn còn quá cao khiến anh lưỡng lự “xuống tiền”. Trong số những nơi anh Nghĩa cho rằng có cơ hội đầu tư BĐS rõ rệt nhất trong thời dịch này là Đà Nẵng bởi giá nhà đất nơi đã giảm khá sâu so với đỉnh.
“Một môi giới BĐS Đà Nẵng giới thiệu cho tôi nhiều lô đất, nhà phố khách sạn mini ở Đà Nẵng có vị trí đẹp với giá khá hợp lý đợt đầu dịch nhưng tôi chưa quyết mua mà vẫn chờ đợi. Trong đó, có một khách sạn nhỏ trên trong trung tâm TP Đà Nẵng hồi tháng 4 chủ chào giá 10,5 tỉ nay quay lại hỏi thì chủ nhà chỉ chào giá 9,8 tỉ là bán nhưng tôi vẫn đang lưỡng lự,” anh Nghĩa chia sẻ.
Nhiều nhà đầu tư cũng giống như trường hợp của anh Nghĩa đang sẵn sàng dòng tiền để có thể bắt đáy đúng thời điểm mua vào BĐS Đà Nẵng.
Còn giới chuyên gia thì cho rằng, đây là thời điểm vàng để mua vào BĐS nói chung và những khu vực có giá nhà đất giảm sâu nói riêng. Bởi thời gian tới dịch bệnh có thể sẽ được kiểm soát khi đó BĐS sẽ là kênh phục hồi nhanh do nhu cầu lớn. Đại diện Batdongsan.com.vn, cho rằng thời gian tới sức mua chung của toàn thị trường Đà Nẵng có thể tăng, tuy nhiên mức tăng không đáng kể và khó có sự đột biến vào cuối năm. Đây là thời điểm có giá hợp lý để mua vào bởi vì, khi thị trường khắc phục được dịch bệnh, khả năng giá đất tại đây sẽ hồi phục và tăng giá.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng đại diện DKRA Việt Nam, Đà Nẵng có nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới, thời điểm hồi phục có thể vào quý 4/2020. Đà Nẵng hiện đang có cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đã và đang triển khai, như dự án mở rộng cảng Liên Chiểu; cảng Tiên Sa; tuyến đường sắt đô thị nối Đà Nẵng với Hội An; đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; cao tốc Đà Nẵng – Quảng Trị…