Chiều ngày 4/7, sự kiện “Công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo thị trường 6 tháng cuối năm 2024 – Chuyển mùa” do Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Đất Xanh tổ chức đã diễn ra.
Tại sự kiện, Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện Tài chính – Bất động sản Đất Xanh Services cho biết, trước đây, Việt kiều có thể mua được sản phẩm cao cấp nhưng hiện nay, giá bất động sản cao cấp tại TP.HCM đã trở nên quá cao so với khả năng tài chính của khách hàng Việt kiều.
Ông Khôi cho biết: “Tôi đã gặp nhiều Việt kiều muốn mua nhà tại Việt Nam. Lúc đầu tôi nghĩ khi mua nhà tại Việt Nam, họ sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp hoặc siêu cao cấp, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại”.
Một thực tế được ông Khôi chỉ ra là hiện nay chỉ có những khách hàng giàu và siêu giàu tại Việt Nam mới có khả năng mua phân khúc này chứ không phải Việt kiều.
Đồng thời, phần lớn khách hàng Việt kiều đang tìm kiếm sản phẩm đầu tư dài hạn nên tập trung vào phân khúc có tiềm năng khai thác cho thuê, có khả năng sinh lời cao, ông Khôi cho biết.
Việc Việt kiều đổ vốn vào bất động sản tại Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Luật Đất đai cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đầu tư và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8, sớm hơn 5 tháng so với ngày phê duyệt trước đó. Theo Khoản 3 Điều 4 Luật Đất đai năm 2024, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ về quyền sử dụng đất.
Thay vì để người thân sở hữu bất động sản, người Việt Nam ở nước ngoài có thể tự mình sở hữu bất động sản mà không phải lo lắng về các vấn đề pháp lý hoặc bị hạn chế quyền thực hiện giao dịch chuyển nhượng.
Trong Báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam của batdongsan.com.vn, đến tháng 5/2024, tín dụng sẽ dần quay trở lại, FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào bất động sản và kiều hối về TP.HCM là những điểm sáng.
Xét về lượng kiều hối về Việt Nam, từ năm 2019-2022, lượng kiều hối tăng trưởng đều đặn từ 17 tỷ USD lên 19 tỷ USD qua các năm. Năm 2023 là năm lượng kiều hối giảm từ 19 tỷ USD xuống còn 16 tỷ USD.
Tuy nhiên, trái ngược với sự sụt giảm của lượng kiều hối chuyển về trong nước, năm 2023, kiều hối chuyển về TP.HCM tăng từ 6,6 tỷ USD lên 9,5 tỷ USD. Tính đến tháng 5/2024, riêng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đã đạt 2,9 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 vừa được Batdongsan.com.vn công bố, riêng xét về căn hộ, mặc dù thanh khoản toàn thị trường vẫn khá thấp nhưng giá căn hộ phân khúc trung cấp và cao cấp tại TP.HCM vẫn tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng.
Cụ thể, giá căn hộ cao cấp (giá từ 55 triệu đồng/m2 trở lên) ghi nhận mức tăng 5%; phân khúc trung cấp (giá từ 35-55 triệu đồng/m2) ghi nhận mức tăng 2% so với quý trước và chỉ có phân khúc bình dân (giá từ 35 triệu đồng/m2 trở xuống) ghi nhận mức giảm 4%.
Về cơ cấu nguồn cung, mặc dù thị trường đã cải thiện trong quý I/2024 nhưng nguồn cung vẫn rất hạn chế so với cầu. Theo ghi nhận, toàn thị trường TP.HCM có khoảng 1.160 căn hộ chào bán, trong đó gần 680 căn hộ trung cấp, 314 căn hộ cao cấp, còn lại là căn hộ hạng sang.
Đáng chú ý, thị trường vẫn tiếp tục thiếu sản phẩm nhà ở giá rẻ. Trong khi đó, các dự án ở phân khúc cao cấp và trung cấp đang tăng nhanh và tập trung tại TP Thủ Đức.
Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu thị trường và thông tin khách hàng OneHousing, Bất động sản vẫn là kênh đầu tư có biên lợi nhuận ổn định so với các loại hình khác, với biên lợi nhuận dương trong 2 năm, đạt trung bình ~12% tại Hà Nội và ~10% tại TP.HCM.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/nguon-cung-bat-dong-san-cao-cap-trong-nuoc-tang-song-viet-kieu-khong-qua-man-ma-voi-phan-khuc-nay-176240706172449213.chn