Chị Nguyễn Thị Hà – một chủ cửa hàng quần áo trên phố Hàng Ngang cho biết, thời kỳ đầu dịch duy trì cửa hàng được mấy tháng, sau đó phải đóng vì không kinh doanh, lỗ kép khi vừa phải trả tiền mặt bằng vừa ế ẩm không có khách.
“Nghỉ dịch 1 năm nay ở nhà, giờ mở cửa hàng lại, tôi đã kinh doanh quần áo trên con phố này hơn 10 năm nay, không làm được việc khác. Tôi cũng chỉ mong duy trì cho qua thời điểm khó khăn này” – chị Hà chia sẻ.
Dọc con phố Hàng Ngang, những tấm biển cho thuê cửa hàng đã được gỡ bỏ, những cửa hàng mới được mở ra. Khu phố không còn cảnh đìu hiu, những dãy nhà đóng cửa im lìm.
Anh Trần Hòa – một chủ nhà cho biết, dịch 2 năm nay treo biển để đó cả tháng không có khách hỏi thuê, nhà bỏ hơn 1 năm nay, bình thường mỗi một nốt, một cửa hàng trống trên phố là khách tranh nhau thuê.
“Người kinh doanh gặp khó trong những năm qua họ không thể thuê được mặt bằng, giờ khi không còn dịch, các cửa hàng lại có người tìm thuê. Giá cho thuê so với trước đây vẫn giảm 30%, hỗ trợ người kinh doanh trở lại sau thời gian dài thua lỗ” – anh Hòa nói.
Một cửa hàng trên phố Hàng Ngang trước đây cho thuê nhà với mức 60 triệu đồng/tháng thì nay giảm xuống 40 triệu đồng, một số người thuê còn đàm phán được với chủ nhà hỗ trợ thu tiền 3 tháng thay vì thu 6 tháng, một năm như trước.
Ngoài các cửa hàng, hàng loạt nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch ở các khu phố cổ Hà Nội cũng mở cửa trở lại. Các nhà hàng, khách sạn sau 2 năm vắng bóng khách du lịch nước ngoài đã sẵn sàng các phương án để đón khách.
Chị Thu Lương – một chủ khách sạn trên phố hàng Buồm cho biết: “Sau 2 năm nằm dài, nhân viên cắt giảm, hàng tháng vẫn phải bù lỗ giờ khách sạn mới mở trở lại, mong từ nay tới cuối năm lượng khách đủ chi phí vận hành và bù lỗ một phần cho thời kỳ dịch bệnh trước”.
Một môi giới chuyên phân khúc cửa hàng, mặt bằng cho thuê ở khu vực quận Hoàn Kiếm cho biết, 2 tháng trở lại đây, lượng khách hàng tìm thuê cửa hàng tăng gấp nhiều lần so với thời gian trước. Các giao dịch thành công cũng tăng rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, trong 2 năm qua dịch vụ lưu trú, mặt bằng văn phòng, nhà đất cho thuê là những phân khúc đang cực kỳ khó khăn của thị trường bất động sản. Những khó khăn này không phải một thời điểm ngắn, mà kéo dài, trên diện rộng và chưa thể đánh giá được thiệt hại.
“Mức độ phục hồi của bất động sản cho thuê phụ thuộc vào mức độ phục hồi sau dịch bệnh của nền kinh tế, hiện tại khi mọi thứ đã trở lại bình thường, phân khúc này sẽ nhanh chóng phục hồi vì nhu cầu thị trường rất nhiều. Khách du lịch trong nước đã đi lại rất nhiều trong dịp 30/4 vừa qua và chúng ta mở cửa với khách quốc tế, mảng dịch vụ lưu trú sẽ hồi sinh trở lại” – ông Nguyễn Thế Điệp nói./.
Theo nghiên cứu thị trường của một công ty bất động sản, tại Hà Nội giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại giảm mạnh trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh. Trong khu vực trung tâm hành chính, giá thuê được ghi nhận giảm 10%, từ gần 2,5 triệu đồng/ m2/tháng xuống còn 2,25 triệu đồng/ m2/tháng; tỷ lệ trống trung bình khoảng 11%. Phân khúc nhà phố cho thuê, do khả năng tài chính của khách thuê hạn chế nên mức giá thuê giảm sâu, bình quân tới 30-50% so với giá trước khi diễn ra dịch bệnh.