Dự án Vũng Tàu Paradise (thường gọi là KDL Vũng Tàu Paradise) do Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise làm chủ đầu tư. Liên doanh này được thành lập từ sự kết hợp giữa đại diện phía Việt Nam là Công ty CP dịch vụ du lịch quốc tế Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) thuộc UBND đặc khu Vũng Tàu – Côn Ðảo (nay là Công ty CP Dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu, thuộc UBND tỉnh BR-VT) với đối tác Ðài Loan (Trung Quốc) là Công ty Paradise Development and Investment.
Ðầu tư nửa vời
Dự án trên được cấp phép năm 1991 với tổng mức đầu tư khoảng 97,2 triệu USD, trong đó phía Công ty CP Dịch vụ du lịch quốc tế Vũng Tàu góp 25% bằng quyền sử dụng đất của 220 ha, 75% còn lại phía đối tác Ðài Loan góp bằng tiền.
Năm 1993, Công ty Dịch vụ Du lịch quốc tế Vũng Tàu đã bàn giao 220 ha đất cho công ty liên doanh để triển khai xây dựng dự án. Vào thời điểm trên, đây được coi là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Dự án sở hữu khu đất nằm ở vị trí vô cùng đắc địa ở TP Vũng Tàu, với 2 mặt giáp đường Thùy Vân, Nguyễn An Ninh (2 tuyến đường lớn và đẹp nhất địa phương – PV) và 1 mặt giáp biển. Khi cấp phép dự án này, mục tiêu mà BR-VT đặt ra là xây dựng và kinh doanh văn hóa, thể thao và du lịch cao cấp với nhiều tiện ích như khách sạn chuẩn quốc tế, khu thể thao dưới nước, công viên giải trí. Dự án cũng hứa hẹn thay đổi ngành du lịch của tỉnh BR-VT, vì với vị trí đắc địa sẽ đáp ứng được phân khúc khách cao cấp hơn trong bối cảnh thời điểm này các khách sạn, resort lớn vẫn chưa có.
Thế nhưng, mọi kỳ vọng của địa phương hoàn toàn sụp đổ khi dự án trên được đầu tư nửa vời. Sau hàng chục năm đầu tư và hoạt động đến nay dự án Vũng Tàu Paradise, ngoài hạng mục sân golf hoạt động thì các hạng mục khác như nhà hàng, khách sạn, khu cắm trại đều xuống cấp, bị bỏ hoang hoặc không được đầu tư. Nhìn từ bên ngoài, chỉ thấy một khu đất hàng trăm hecta được bao bọc bởi những bức tường đá cao khoảng 2 m. Bên trong chẳng khác nào một khu đất bỏ hoang, với nhà rông xuống cấp, cây cỏ um tùm.
Báo cáo của UBND tỉnh BR-VT cũng cho thấy trên tổng diện tích đất được giao 220 ha, nhiều năm qua, nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140 ha (phần diện tích đã đầu tư hạng mục sân golf và khu nhà rông), còn lại 80 ha (quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc) sử dụng không hiệu quả và không sử dụng trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
Nợ hơn 1.000 tỉ đồng tiền thuế
Liên quan đến dự án này, đến năm 2016 – dự án Vũng Tàu Paradise hết hạn theo giấy phép đầu tư. Tháng 12-2016, UBND tỉnh BR-VT ban hành quyết định thu hồi 220 ha đất của dự án để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh này quản lý. Tuy nhiên, sau đó, các cơ quan xác định tháng 6-1993, liên doanh Vũng Tàu Paradise mới nhận bàn giao đất trên thực địa nên thời hạn sử dụng đất của dự án sẽ kết thúc vào tháng 6-2018.
Ngoài lý do chậm triển khai dự án, nguyên nhân khiến UBND tỉnh BR-VT không thực hiện gia hạn cho dự án Vũng Tàu Paradise là do trong quá trình xây dựng, hai bên công ty liên doanh không có sự thống nhất trong quản lý điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh. Ðặc biệt, bên đối tác nước ngoài chưa hoàn tất nghĩa vụ góp vốn theo quy định, không thống nhất về việc đăng ký lại doanh nghiệp và điều chỉnh thời hạn hoạt động của liên doanh. Khi gần hết thời hạn hoạt động dự án, hai bên liên doanh chưa thống nhất về kế hoạch tiếp tục thực hiện dự án. Về việc góp vốn, phía doanh nghiệp Ðài Loan không góp đủ vốn như cam kết. Theo báo cáo của các bên vào năm 2016, số vốn đã góp của doanh nghiệp nước ngoài chỉ 26,5 triệu USD, đạt 57%.
Cổng Khu Du lịch Vũng Tàu Paradise từ nhiều năm qua luôn đóng cửa, ngoài sân golf hoạt động thì các hạng mục khác đều không triển khai.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, liên doanh Vũng Tàu Paradise chủ yếu rơi vào tình trạng lỗ, tính đến tháng 12-2017 lỗ lũy kế gần 90 tỉ đồng. Doanh thu của liên doanh chủ yếu dựa vào sân golf. Tháng 4-2022, Chi cục Thuế Vũng Tàu – Côn Ðảo đã ban hành 4 quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản của Công ty Liên doanh Vũng Tàu Paradise tại 4 chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP Vũng Tàu. Số tiền mà liên doanh này nợ tiền thuê đất và các khoản thuế lên đến hơn 1.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 800 tỉ đồng là tiền thuê 220 ha đất từ tháng 6-2018 đến nay và 200 tỉ đồng là tiền các khoản thuế. Liên quan đến việc nợ thuế, phía doanh nghiệp cho rằng cơ quan thuế tính tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích 220 ha là không phù hợp và đề nghị xem xét lại. Còn ngành chức năng tỉnh BR-VT cho rằng không thể tính tiền thuê đất cho những phần đất đang sử dụng thực tế mà phải tính toàn bộ diện tích đất đã giao cho thuê.
Chính vì những lùm xùm chưa thể giải quyết dứt điểm nêu trên nên đến nay, dù dự án đã hết hạn đầu tư nhưng UBND tỉnh BR-VT vẫn chưa thể thu hồi hàng trăm hecta đất vàng về cho nhà nước. Việc này, ngoài lãng phí nguồn lực đất đai còn khiến dư luận bức xúc và đề nghị cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm.
Ngoài khả năng của địa phương!
Liên quan đến dự án trên, cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 3/3/2021 đã kết luận về hướng xử lý. Theo đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá tổng thể, chặt chẽ các yếu tố tác động về lịch sử, ngoại giao, đóng góp của nhà đầu tư… hầu hết ý kiến ủng hộ phương án gia hạn thời hạn thực hiện dự án và thời hạn sử dụng đất cho nhà đầu tư. Từ đây, Thủ tướng yêu cầu địa phương khẩn trương nghiên cứu, xem xét đề xuất phương án xử lý cụ thể gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ÐT).
Sau đó, Bộ KH-ÐT đã có văn bản đề nghị tỉnh lựa chọn phương án cụ thể, gửi về bộ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Trường hợp tỉnh lựa chọn phương án gia hạn thời gian thực hiện dự án và thời hạn sử dụng đất thì đề nghị làm việc với nhà đầu tư và yêu cầu ràng buộc một số nội dung.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tỉnh BR-VT nhìn nhận các vướng mắc của dự án nằm ngoài khả năng, thẩm quyền quyết định của tỉnh. Việc đề xuất phương án xử lý cụ thể cũng vượt thẩm quyền của tỉnh. Do đó, tỉnh đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ, Bộ KH-ÐT tổng hợp ý kiến các bộ, ngành và quy định liên quan trình cấp có thẩm quyền quyết định phương án, hướng dẫn tỉnh thực hiện theo quy định pháp luật. “Ðây là dự án được quan tâm không chỉ của địa phương mà của cả các bộ, ngành. Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần VII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đây là dự án, công trình trọng điểm của tỉnh. Ðịa phương mong muốn sớm giải quyết các vướng mắc để đưa khu đất vào khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, không để phát sinh thêm nợ đọng tài chính”.