Lạm phát tăng, lãi suất cho vay ngân hàng cũng tăng, nhiều chính sách siết chặt thị trường bất động sản khiến giới đầu tư lo lắng. Thậm chí, thị trường đã xuất hiện tâm lý muốn “rút lui” của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự biến động của thị trường không đẩy kênh đầu tư này vào tình thế khó khăn. Bởi thực tế, kịch bản lạc quan của bất động sản sẽ sớm xuất hiện.
Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Kim Long Land nhấn mạnh, chủ đầu tư không nên bán tháo. Và thậm chí, ông Dũng cho biết, thị trường chưa ghi nhận hiện tượng giảm giá hàng loạt. Ông khuyến nghị, dù thị trường có nhiều biến động nhưng bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn. Vì vậy, ông Dũng khuyên, người có nhà đất nên tiếp tục giữ. Và nếu có tiền nhàn rỗi thì vẫn nên đổ vào bất động sản.
Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng: “Bất động sản luôn là kênh đầu tư hấp dẫn. Quan trọng là đầu tư vào phân khúc nào, nơi nào sinh lợi nhất thì mới bỏ tiền đầu tư. Theo tôi, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, tốt nhất là không nên sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư. Nếu chọn được đúng phân khúc chất lượng và khả năng sinh lời cao thì hãy xuống tiền ”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản: “Thực tế, với tình hình lạm phát, kinh tế bất ổn thì việc đầu tư là cần thiết, đã có ý định thì đừng chần chừ, thời gian là vàng. Nhiều người không có tiền nhưng vẫn học cách đầu tư ”.
Chia sẻ quan điểm bất động sản là kênh đầu tư sáng giá, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nhà đầu tư thường ngại rủi ro nên không bỏ trứng vào một giỏ. Kênh bất động sản vẫn là kênh đầu tư sáng giá ở thời điểm hiện tại. Ông Lực cho rằng, kênh chứng khoán chỉ dành cho những nhà đầu tư có hiểu biết về tài chính.
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành khuyến nghị, giá trị tài sản là yếu tố nhà đầu tư sẽ quan tâm, nhưng đừng quên thanh khoản khi tài sản đóng băng. Dưới góc độ kinh tế, kinh doanh không phải không có rủi ro. Về kinh tế tài chính, tôi muốn nhấn mạnh hơn đến giá trị tài sản, khả năng sinh lời và tính thanh khoản. Trong đó, tính thanh khoản là vô cùng quan trọng.
Theo ông Thành, chi phí giao dịch có thể do giá mua hoặc giá bán gây ra, nhưng đừng quên thời gian giao dịch tài chính cũng là một khoản chi. Chi phí giao dịch cũng cần được xem xét bên cạnh lợi nhuận và giá trị tạo ra.
“Tương lai thú vị hơn quá khứ vì có rất nhiều điều chúng ta không biết, không thể đoán trước được. Ví dụ như quy luật của nền kinh tế số, mô hình kinh tế lớn… tất cả cái này chúng ta chưa biết ”, chuyên gia này nói.