Không hiểu vì sao giá đất tăng chóng mặt
Được đánh giá là một huyện không mạnh về kinh tế, song giá đất tại một số xã tại huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đang tăng chóng mặt trong suốt 2 năm qua. Cụ thể, tại tuyến đường chợ Yên Dưỡng (xã Yên Dưỡng, Cẩm Khê), giá đất đã tăng gấp 3 lần trong 2 năm và tăng gấp 5 lần trong suốt 4 năm qua.
Năm 2018, anh N.V.H đã mua một lô đất có diện tích khoảng 60 m2, chiều dài mặt tiền 6 m với giá khoảng 450 triệu đồng, đến nay, giá lô đất đã tăng lên 1,1 tỷ đồng.
Anh H. cho biết, tại Cẩm Khê và các địa phương vùng núi phía Bắc, đơn vị tính không phải là mét vuông, mà dựa vào chiều dài mặt đường. Tức là, mặt đường có chiều dài bao nhiêu sẽ nhân với giá tiền tại thời điểm đó, sẽ ra giá trị lô đất.
“Ví dụ, lô đất của tôi có chiều dài mặt đường là 6 m, năm 2018 giá đất là 75 triệu đồng/m dài. Như vậy, giá trị lô đất là 450 triệu đồng. Sang năm 2020, giá đất đã tăng lên 180 triệu đồng/m dài, giá lô đất cũng tăng lên 1,1 tỷ đồng”, anh H. nói.
Cũng tại Yên Dưỡng, lô đất 120 m2, chiều dài 6,5 m của gia đình ông M.L cũng đã tăng từ 230 triệu đồng (năm 2016), lên 780 triệu đồng vào năm 2019 và tăng tiếp lên 1,2 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại.
Chia sẻ với PV báo Dân trí, nhiều hộ dân tại xã Yên Dưỡng không thể lý giải được vì sao giá đất tại tăng nhanh trong 2 năm qua.
“Yên Dưỡng không phải là một xã mạnh về kinh tế, không có các dự án hạ tầng lớn đầu tư, đường xá vẫn chưa được đổ bê tông hết, vẫn còn đường đất. Hầu hết, các giao dịch mua – bán đều là người địa phương, nhưng không hiểu sao giá đất lại tăng nhanh như vậy”, ông N.X.T chia sẻ.
Trong khi đó, một hộ dân khác tại Yên Dưỡng giải thích: “Nếu như 10 năm trước, Yên Dưỡng là một xã nghèo, thì nay, nhờ việc xuất khẩu lao động, nhiều hộ dân đã thoát nghèo. Do đó, giá đất cũng tăng do nhu cầu mua nhà của người dân địa phương”.
Đất tại nhiều làng quê “dậy sóng”
Không chỉ tại Phú Thọ, nhiều vùng quê, vùng núi khác tại các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… cũng đang tăng giá chóng mặt.
Đơn cử, tại một số tuyến đường chính, đi qua khu chợ và UBND các xã An Phú, Đông Quan, Khai Trung, Khánh Hòa, Khánh Thiện (thuộc huyện Lục Yên, Yên Bái), giá đất đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ cùng năm, dao động từ 5 – 11 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà (Lào Cai), 2 địa điểm nổi tiếng về du lịch, giá đất cũng tăng 3 lần so với cùng kỳ, bất chấp dịch Covid-19. Riêng tại thị xã Sa Pa, giá đất đã ngang ngửa với nhà mặt ngõ tại Hà Nội, dao động từ 30 – 50 triệu đồng/m2.
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARS), hiện tượng các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt.
Có những nơi vài năm trước ngưỡng giá trong làng chỉ vài trăm nghìn. Nay đã lên đến vài triệu đồng, vài chục triệu đồng/m2. Thậm chí đất vườn, đất ruộng cũng được đẩy lên vài triệu đồng/m2.
Điều này đã xuất hiện nghịch lý, giá đất trong một số dự án được đầu tư cơ sở hạ tầng hàng chục năm vẫn loanh quanh ngưỡng 30 – 40 triệu đồng/m2, nhưng đất trong làng xóm không được đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng đô thị đã có giá chào bán từ 20-30 triệu đồng/m2.
“Giá đất đai tại các địa phương bị đẩy lên cao đã làm chùn bước sự quan tâm của các nhà phát triển bất động sản. Bởi lẽ, giá đất quá cao khiến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Đã có hiện tượng doanh nghiệp lớn rút lui, sau khi vừa mới đăng ký tham gia nghiên cứu đầu tư tại những khu vực này”, báo cáo của VARS cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS, giá đất của nhiều địa phương đang “ngáo giá”. Đây có thể là chiêu trò của giới đầu nậu, cò đất để thổi giá đất lên cao.
“Về lâu dài, đất vùng ven, đất nông thôn hoặc bất kỳ sản phẩm bất động sản nào đều có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu mức tăng trong năm lên tới 20%, 30% hoặc tăng gấp đôi, gấp 3 lần, thì cần phải xem xét lại và nên cẩn trọng”, ông Tuấn nói.