Công khai quy hoạch
Từ sau Tết, tình hình dịch bệnh được khống chế, hoạt động đầu tư ấm dần lên, nhất là đầu tư bất động sản. Điều này khiến giá đất nhiều khu vực miền Trung liên tục tăng, nhiều nơi xảy ra tình trạng sốt đất, số hồ sơ giao dịch đất đai tăng đột biến.
Tại Quảng Ngãi, theo thống kê của UBND thị xã Đức Phổ, trong quý I/2022, địa phương này đã tiếp nhận và thực hiện tách thửa cho 120 hồ sơ với diện tích 51.948,9m2. Cùng với đó, chính quyền thị xã đã tiếp nhận và thực hiện đăng ký biến động đối với hồ sơ chuyển nhượng là 253 hồ sơ, với diện tích 563.776,5m2.
Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho hay, việc giá đất rục rịch tăng không phải ngay bây giờ mà đã bắt đầu từ tháng 3/2020, khi Đức Phổ vừa lên thị xã.
“Giá đất tăng như vậy tùy vào thời điểm, tăng hay giảm đi cùng với thị trường bất động sản, tình hình dịch bệnh. Khi có thông tin đường Dung Quất – Sa Huỳnh chuẩn bị khởi công, đi ngang qua xã Phổ An, phường Phổ Quang và một phần của Phổ Minh thì giá đất tăng trở lại”, ông Vương nói.
Về các biện pháp, ông Vương cho biết, việc đầu tiên thị xã làm đó chính là công khai các quy hoạch đô thị, kế hoạch xin đất. Bước đầu, chính quyền đã có quy hoạch phân khu tại phường Phổ Quang. Hiện thị xã đang làm quy hoạch phân khu dọc sông Thoa.
“Song song với quy hoạch, những công trình, dự án dự kiến đầu tư xây dựng trên địa bàn chúng tôi đều công khai, minh bạch để người dân có đầy đủ thông tin. Khi người dân thấy được quy hoạnh thì chính họ sẽ biết được đất của mình có ảnh hưởng hay hưởng lợi từ quy hoạch không. Ngoài ra, thị xã sẽ đưa một số khu dân cư vào để đấu giá, việc này sẽ làm dịu đi nhu cầu của thị trường”, ông Vương cho hay.
Giá đất ở vùng biển xã Phổ An, phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) liên tục “nhảy múa” nhiều tháng qua.
Tương tự, huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) thời gian qua cũng đã xảy ra tình trạng “sốt đất”. Giá đất tại khu vực này đã cao hơn khoảng 100-300 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2021.
Trước tình trạng đó, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi Công an thành phố đề nghị vào cuộc điều tra xem có hay không đường dây thông đồng giữa “cò” đất, cơ quan và cán bộ quản lý Nhà nước để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, tạo cơn “sốt đất” tại huyện Hòa Vang.
“Hiện tượng sốt đất diễn ra tại Hòa Vang là thực tế thường xảy ra đối với các đô thị đang phát triển, nhất là những vùng có tốc độ đô thị hóa cao. Về nguyên tắc, khi có một chủ trương nâng cấp hành chính của một địa phương hay thông tin có dự án đầu tư lớn tại vùng nào đó thì giá trị đất đai xung quanh dự án đó sẽ tăng theo. Người dân mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vì họ nghĩ rằng với những chủ trương như thế thì đương nhiên đất của mình đang là đất nông nghiệp sẽ trở thành đất đô thị. Tuy nhiên, suy nghĩ đó không đúng”, ông Hùng nói.
Về công tác quản lý, ông Hùng cho hay, thành phố sẽ công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương đất đai đến người dân có thể nắm bắt đất mình đang ở là đất gì, sẽ được làm vào việc gì trong tương lai và tương lai đó xảy ra thời điểm nào.
“Trong công tác quản lý, chúng tôi cũng tăng cường giám sát, kiểm tra chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai trong việc thực hiện chia tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất. Việc này đang được làm chặt chẽ”, ông Hùng thông tin.
Số hồ sơ giao dịch đất đai tại Hòa Vang tăng từ 120 hồ sơ/ngày lên khoảng 200 hồ sơ/ngày.
Giá đất tăng là chuyện bình thường?
Dưới góc độ doanh nghiệp, trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Tấn Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Eco Real nhìn nhận, thực ra sốt hay không do cách nhìn nhận của mỗi người. Tính chất thị trường đang bước vào giai đoạn cạnh tranh, thanh lọc mạnh mẽ, đặc biệt sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước thì phần lớn các địa phương không có hiện tượng sốt đất. Nếu khách quan mà nói, bất động sản hiện đang tăng trưởng với giá trị thực của nó.
Ví dụ như nhiều địa phương gần như không còn quỹ đất để triển khai dự án đất nền hoặc dự án nằm ở vị trí đắc địa, có tính chiến lược lâu dài. Điều đó dẫn đến nguồn cung bất động sản trở nên khan hiếm.
Hay sau thời được xem ngủ đông, bất động sản dần lấy lại vị trí nhờ kiểm soát được đại dịch, du lịch và kinh tế phục hồi. Chính phủ cũng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm. Chưa kể các dòng vốn FDI bắt đầu đổ về và phát huy hiệu quả.
Vấn đề nội tại của giới đầu tư cũng là một yếu tố. Vì hơn hai năm đại dịch gần như dòng tiền của khách hàng bị đóng băng. Một số kênh như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm chỉ là biện pháp ngắn hạn, thậm chí nhiều rủi ro. Do đó khi thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc thì giới đầu tư lập tức quay trở lại.
“Việc giá bất động sản tăng giá thời gian qua là do tính chất của thị trường. Khách hàng trước khi xuống tiền chỉ cần nghiên cứu và tìm hiểu thật kỹ sản phẩm như chủ đầu tư, khung pháp lý dự án, quy hoạch phát triển địa phương và phân tích cho được dòng tiền”, ông Việt nói.
Ở góc độ chuyên gia, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, sốt đất không phải là vấn đề, nếu như giá cao mà người dân có thu nhập cao có thể trả được tiền mua nhà ở tại khu vực đó thì sốt đất không phải là vấn đề. Tuy nhiên, sốt đất mà người dân không ai có thể trả nổi tiền đất ở đó thì nơi đó sẽ trở thành đô thị ma. “Tôi không lo sốt đất, mà tôi chỉ lo giá đất tăng có tương xứng với thu nhập của người dân tại địa phương, khu vực đó hay không”, ông Sơn đặt vấn đề.
Tại Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu các ban ngành tăng cường quản lý tình hình thị trường bất động sản để xử lý kịp thời, tránh xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh và huyện, thị xã, thành phố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính…