Theo kết luận thanh tra, UBND TP. Hà Nội đã 02 lần điều chỉnh , Sở Quy hoạch – Kiến trúc 01 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật về quy hoạch (điều chỉnh chức năng ô đất từ công cộng của thành phố sang đất hỗn hợp dịch vụ thương mại kết hợp văn phòng và nhà ở chung cư); tăng tầng cao từ trung bình, tăng thêm dân số.
Từ đất công cộng thành cao ốc 27 tầng
Cụ thể, dự án Star City có vị trí tại ô đất 4.1-CC, theo quy hoạch chi tiết 1/500 hai bên đường Láng Hạ – Thanh Xuân phê duyệt năm 2002, đây là đất công cộng thành phố, tầng cao trung bình là 18,5 tầng, mật độ 53%.
Tuy nhiên, 3 năm sau đó, TP Hà Nội đã có Quyết định số 43/2005/QĐ-UB ngày 05/4/2005 phê duyệt điều chỉnh dự án thành nhà ở chung cư, bãi đỗ xe, mật độ xây dựng 50,3%, cao 16 tầng. Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh này không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán đến sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đến năm 2008, dự án được điều chỉnh tăng 9 tầng, lên 25 tầng. Cụ thể, sau Tờ trình số 563/TTr-QHKT ngày 13/10/2008 của sở QH&KT, UBND TP đã chấp thuận quy hoạch định hướng điều chỉnh ô đất 4.1-CC tầng cao 16 tầng thành 25 tầng. Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, việc điều chỉnh tăng số tầng tại dự án đã vi phạm Điều 29 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ và khoản 3 phần 6 Thông tư 07/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng.
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra, năm 2010, Sở Quy hoạch – Kiến trúc tiếp tục chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tại Văn bản số 1378/QHKT-P2 ngày 07/5/2010 điều chỉnh dự án từ nhà ở chung cư cao 25 tầng, mật độ xây dựng 50% thành hỗn hợp dịch vụ thương mại kết hợp văn phòng và nhà ở chung cư cao tầng 27, mật độ xây dựng tăng lên thành 60,2%. Việc điều chỉnh quy hoạch này là vượt thẩm quyền, đã không tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, trách nhiệm nêu trên thuộc về UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc. Theo đó, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc theo thẩm quyền kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm tại dự án này.
Công khai, giám sát quy hoạch
Trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra hàng loạt sai sót, vi phạm về quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, Hà Nội. Nhiều đơn vị điều chỉnh quy hoạch sai quy định, nhồi cao ốc tăng gấp 6 lần.
Các chuyên gia cho rằng cần quy trách nhiệm người đứng đầu trong các vi phạm về điều chỉnh quy hoạch.
Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn (có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán), có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
“Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN) đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ”, Thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ.
Chia sẻ với DĐDN, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, quy hoạch không phải thứ để có thể tùy tiện điều chỉnh, cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích của quốc gia, đời sống của dân lên hàng đầu.
Theo ông Tùng, một số nước phát triển, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề hệ trọng nên cần cơ quan quản lý cấp trên thông qua, song hiện nay ở Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch lại được tiến hành vội vã, dễ dàng, không tham vấn ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân chịu tác động. Hệ lụy là công tác quy hoạch luôn bất cập.
“Để không còn tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, trước khi điều chỉnh phải tham vấn cộng đồng bài bản. Sau đó, quy hoạch phải được công khai để cộng đồng, các tổ chức giám sát theo dõi” – ông Tùng nhấn mạnh.