Đơn vị này chỉ ra, bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, kinh tế Việt Nam vẫn chứng tỏ được sức bền mạnh mẽ và có nhiều dấu hiệu lạc quan trong quý 2/2021.
Cụ thể, GDP quý 2/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn so với mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn mức tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Vốn đầu tư nước ngoài tuy giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung vẫn rất tích cực. Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,27 tỷ USD. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 2 năm 2021 ước tính đạt 51 tỷ USD, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Phân khúc BĐS văn phòng ghi nhận không có nguồn cung mới được ghi nhận trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai hứa hẹn dồi dào, riêng Tp.HCM dự kiến hơn 55,000 m2 sàn văn phòng mới sẽ được sử dụng trong năm nay. Giá thuê ở cả ba thị trường Hà Nội, Tp.HCM và Đà Nẵng có xu hướng giảm nhẹ do tác động của đại dịch Covid-19. Để thích ứng với những diễn biến khó lường của đại dịch, nhiều mô hình văn phòng mới, linh động và độc đáo đã được các đơn vị vận hành đưa ra.
Với phân khúc BĐS bán lẻ, nguồn cung mới cũng hoàn toàn vắng bóng tại ba thành phố lớn. Tại Tp.HCM, trong khu vực trung tâm, giá thuê trung bình tại các trung tâm thương mại giảm 15%, trong khi ở các khu vực còn lại mức giảm sâu hơn, khoảng 30% trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Tại Hà Nội, chỉ số này cũng giảm ở khu vực trung tâm và các khu vực còn lại, tương ứng là 10% và 25%. Tuy nhiên, quý vừa rồi cũng ghi nhận nhiều thương vụ lớn, góp phần cải thiện tâm lý cho thị trường. Đáng chú ý là thông tin về khoản đầu tư 400 triệu USD từ Alibaba và Baring Private Equity Asia vào The CrownX, một công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Masan, để vận hành chuỗi siêu thị VinMart. Nhiều mô hình bán lẻ cũng đã được áp dụng và cải tiến, chẳng hạn như việc Masan đã mua 20% cổ phần của Phúc Long và VinCommerce đã ký kết hợp tác chiến lược với Phúc Long để cùng phát triển Ki-ốt Phúc Long tại hơn 2.200 cửa hàng VinMart + trên toàn quốc.
Nếu như nguồn cung phân khúc căn hộ trong quý 2 tại Tp.HCM đa phần đến từ quận ngoài trung tâm thì tại Hà Nội, hầu hết nguồn cung mới cho quý 2/ 2021 đến từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án phát triển hiện có. Để thích ứng với các thách thức vì đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều chủ đầu tư đã nhạy bén tận dụng công nghệ để tạo sự khác biệt và thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Về nguồn cung phân khúc biệt thự – nhà phố, theo Colliers Việt Nam, phía đông và phía nam Tp.HCM là 2 khu vực thu hút nhiều nhà đầu tư; phía đông có Vinhomes Grand Park và phía nam có GS Zeitgeist Nhà Bè và Lovera Park Bình Chánh. Hơn 70% nguồn cung mới trong quý này đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án phát triển hiện có. Lượng bán nhà phố thương mại và nhà phố được hấp thụ tốt và nhiều người mua là các nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, tại Hà Nội, biệt thự chiếm 20% nguồn cung, nhà phố cung cấp 35%, trong khi nhà phố thương mại cung cấp 45% tổng nguồn cung của phân khúc này. Thị trường bất động sản biệt thự và nhà phố tại Hà Nội vẫn hấp dẫn bất chấp đại dịch. Hầu hết các giao dịch trong quý này đến từ thị trường thứ cấp.
Thị trường căn hộ dịch vụ cũng hoàn toàn không có nguồn cung mới tại cả Hà Nội và Tp.HCM trong quý vừa rồi, dù cho có nhiều dự án lớn sắp ra mắt tại Hà Nội. Ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ tư của đại dịch Covid-19 khiến cho tại cả hai “đầu tàu” kinh tế của cả nước, giá chào thuê trung bình đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Colliers Việt Nam nhận định triển vọng trong ngắn hạn của phân khúc này không có nhiều tín hiệu lạc quan và tùy thuộc nhiều vào FDI với lượng lớn chuyên gia nước ngoài cùng với tốc độ của chiến dịch tiêm vắc xin.
Cũng giống như trong quý đầu tiên trong năm nay, số lượng khu công nghiệp tại Tp.HCM và Hà Nội vẫn giữ nguyên trong quý vừa rồi, lần lượt là 18 và 9 khu công nghiệp. Giá chào thuê đất công nghiệp trung bình vẫn ở mức 175 USD/m2/kỳ tại Tp.HCM, tăng nhẹ so với quý trước. Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 85%, tương đương với quý trước. Tại Hà Nội, giá chào thuê đất công nghiệp trung bình vẫn ở mức 140 USD/m2/kỳ và tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%.
Theo đại diện Colliers Việt Nam, kì vọng chiến lược tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng sẽ thành công sớm nhất có thể. Đây chính là điều kiện quan trọng bậc nhất để giúp nhiều hoạt động kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng dần hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại”.