Mặc dù thị trường BĐS đang ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng các chuyên gia trong ngành vẫn có cái nhìn lạc quan vào BĐS đến thời điểm cuối năm. Dĩ nhiên cả nguồn cung và sức cầu sẽ không nổi bật như giai đoạn đầu năm. Một số chuyên gia lại cho rằng, sức cầu của thị trường BĐS thế nào còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh.
Theo ông David, CEO Colliers Việt Nam, xu hướng các nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền vào lĩnh vực bất động sản ngày càng nhiều vì đây là kênh đầu tư được cho là an toàn và giá nhà đất lại có xu hướng tăng theo thời gian. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng không ổn định, khó nắm bắt, nhất là với nhóm nhà đầu tư F0. Đồng thời, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn với mức lãi suất thấp dưới 6.5%/năm, mức được cho là khá khó khăn để hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân. Theo đó, dự báo sức cầu của thị trường BĐS 6 tháng cuối năm vẫn khá khả quan.
Ngoài ra, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp BĐS đẩy mạnh bán hàng thông qua các kênh trực tuyến và cho thấy vẫn có nhu cầu mua nhà ở vẫn có, đặc biệt là đối với thanh phố có tốc độ đô thị hóa nhanh như Tp.HCM.
Theo vị chuyên gia này, đất nền vẫn là phân khúc khá sôi động trong thời gian tới. Khi mà quỹ đất “sạch” tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm, đất nền vùng ven (Tp.Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh) tiếp tục giữ vị thế chủ lực sau khi thiết lập mặt bằng giá mới từ đợt “sốt” đất vừa qua. Đồng thời, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được nhiều người chọn lựa. Nguồn cung mới có thể sẽ tăng so với quý trước và tập trung chủ yếu ở thị trường các các tỉnh giáp ranh Tp.HCM và sẽ không có nhiều biến động gồm cả về mặt bằng giá.
Tương tự, ở phân khúc căn hộ chung cư, dự báo nguồn cung và sức cầu có thể tăng lên tương ứng trong giai đoạn tới, nhất là ở phân khúc cho người ở thực.
Cùng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP.HCM (phân khúc trung cao cấp và cao cấp) và các tỉnh thành lân cận, bao gồm Bình Dương. Nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.
Từ đây đến cuối 2021, theo TS Khương BĐS sẽ không có nhiều chuyển biến mang tính đột phá, vì kinh tế Việt Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hạn chế của đại đa số người dân trong thời điểm này khiến tình hình thị trường không có nhiều biến động. Phần lớn giao dịch trong thời gian này chủ yếu là các nhà đầu tư dài hạn – những người có tiền tích trữ trong ngân hàng hoặc nhiều nguồn khác để đầu tư, đây sẽ là nhóm khách hàng được hưởng lợi từ xu hướng giá bất động sản liên tục tăng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Savills, dù phải chật vật với nhiều thử thách dưới áp lực của dịch bệnh, song đây chỉ là sự chững lại ngắn hạn của thị trường bất động sản trong nước. Trong kịch bản thị trường hồi phục, bất động sản nhà ở sẽ là thị trường sôi động nhất vì nhu cầu thực về nhà ở vẫn là nhu cầu bức thiết của người dân. Song, mức độ hấp thụ của thị trường sẽ không cao bằng những năm trước đây vì người dân mua nhà để ở thường phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng như là vốn chủ sở hữu.
Với tình hình hiện tại, khi nhiều người bị hạn chế về thu nhập, mất việc hoặc giảm lương, không có nhiều nguồn tích lũy, sức mua trên thị trường sẽ khiêm tốn hơn so với các năm trước, chủ yếu tập trung vào phân khúc nhà ở có giá trị vừa phải tại các đô thị lớn trên toàn quốc.
Cũng dự báo về lực cầu thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Mai Đức Toàn, Giám Đốc Khối Kinh Doanh và Tiếp Thị Tập đoàn CNT Group cho rằng, không thể phủ nhận, Covid -19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường BĐS, khiến tâm lý nhà đầu tư dao động. Tuy nhiên, ảnh hưởng này chỉ là tạm thời, không đáng quan ngại và không ảnh hưởng nhiều đến thị trường trong dài hạn. Bởi lẽ, BĐS luôn là lựa chọn hàng đầu của người Việt so với các kênh đầu tư như vàng, tiền ảo, chứng khoán hay gửi tiết kiệm. Do đó, sẽ không có chuyện NĐT ngần ngại “găm tiền” vào BĐS. Nếu dịch được kiểm soát, thị trường cuối năm sẽ bật dậy, phục hồi và sôi nổi. Tuy nhiên sẽ không thể bằng giai đoạn đầu năm.
Vị này cho hay, không riêng gì thị trường BĐS, các lĩnh vực khác đều trong trạng thái “nín thở” chờ diễn biến tiếp theo của đợt dịch lần này. Thị trường BĐS sẽ chịu phụ thuộc trực tiếp theo tình hình diễn biến của dịch. 3 đợt Covid trước đó, giá BĐS vẫn tăng lên ở nhiều phân khúc, thậm chí hình thành một cơn sốt đất trên diện rộng ngay đầu năm nay, do đó BĐS vẫn đang trong chu kỳ khó đoán định.
Làn sóng Covid thứ 4 đang có những diễn biến phức tạp và thực tế thị trường BĐS đang chịu một số ảnh hưởng tiêu cực. Trong gần nửa tháng qua, giao dịch và nhu cầu đã giảm, thị trường trầm lắng hơn, nhiều sự kiện bán hàng bị dời lịch, các hoạt động quảng bá cho dự án mới cũng thưa thớt, không còn sôi động.
“Tuy nhiên tôi cho rằng đây chỉ là vấn đề tạm thời. Nếu dịch lần này tiếp tục được kiểm soát thành công trong thời gian ngắn hạn giống những đợt trước thì thị trường BĐS sẽ vẫn giữ được sự ổn định và phục hồi sớm khi dịch được kiểm soát. Đối với những nhà đầu tư BĐS trong nước, chúng ta đang có niềm tin rất lớn ở chính phủ, niềm tin về làn sóng Covid thứ 4 này sẽ tiếp tục được ứng phó thành công. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã quen vấn đề này rồi và ít nhiều có tâm lý chuẩn bị để thích ứng. Nói cách khác, thị trường BĐS cũng đang dần hình thành tâm lý “sống chung với dịch”. Bản thân các doanh nghiệp BĐS cũng đã tự trang bị cho mình những phương án linh hoạt để chủ động ứng phó khi có các đợt dịch bùng nổ chứ không còn rơi vào thế bị động như các đợt dịch trước”, ông Toàn nhấn mạnh.