Theo báo cáo thị trường tháng 1/2021 của DKRA Vietnam, ở loại hình biệt thự biển, trong tháng đầu năm ghi nhận 2 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 210 căn, tăng 4,3 lần so với tháng trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 15% (khoảng 32 căn), tăng 78% so với tháng 12/2020.
Nguồn cung mới tăng, tuy nhiên vẫn còn ở mức khá thấp. Các dự án mới tập trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu là dự án Habana Island của Novaland và The Maris Long Hải của Công ty TNHH Allgreen Vượng Thành – Trùng Dương.
Theo đơn vị này, sức cầu chung của thị trường nhìn chung thấp, lượng tiêu thụ mới trong tháng tập trung chủ yếu ở dự án Habana Island. Trong ngắn hạn chưa thấy những tín hiệu cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của phân khúc này.
Trong khi đó, ở loại hình nhà phố, shophouse biển, trong tháng 1/2021 không ghi nhận dự án mới mở bán. Thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới, sức cầu thị trường ở mức trung bình, giao dịch tập trung phần lớn ở những dự án cũ đã mở bán từ trước.
Nguồn cung nhà phố, shophouse biển hiện nay tập trung chủ yếu ở những dự án tổ hợp du lịch lớn với quy mô hàng trăm hecta, được quy hoạch bài bản của những CĐT có tên tuổi trên thị trường.
Sức cầu chung ở mức trung bình, tuy nhiên vẫn ở mức khá cao so với những phân khúc còn lại của thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Với nhiều dự án đang trong giai đoạn truyền thông, booking, dự kiến trong ngắn hạn nguồn cung và sức cầu thị trường nhà phố, shophouse biển sẽ tăng, tuy nhiên khó đạt được mức tăng như năm 2019 và tập trung chủ yếu ở các khu vực như Phú Quốc, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Còn Condotel, theo ghi nhận của DKRA Vietnam, trong tháng 1/2021 có 2 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 588 căn. Tỷ lệ tiêu thụ thấp đạt 31% (khoảng 182 căn). Nguồn cung mới tăng và tập trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu, những địa phương còn lại gần như không ghi nhận có dự án mới mở bán.
Cụ thể: Nguồn cung tập trung chủ yếu ở dự án Charm Long Hải của Charm Group với khoảng 456 căn mở bán, chiếm 78% tổng nguồn cung mới toàn thị trường. Dự án The Maris Long Hải của Công ty TNHH Allgreen Vượng Thành – Trùng Dương chỉ chiếm 22% tổng nguồn cung mới toàn thị trường.
Sức cầu chung toàn thị trường ở loại hình này theo DKRA Vietnam vẫn ở mức khá thấp, mặc dù lượng tiêu thụ mới tăng tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Trong ngắn hạn dự kiến nguồn cung và sức cầu phân khúc Condotel có thể tăng, tuy nhiên khó có sự đột biến và tập trung chủ yếu ở khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đánh giá về triển vọng thị trường BĐS nghỉ dưỡng 2021, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng mặc dù Việt Nam bị sụt giảm khách quốc tế, nhưng đây vẫn là thị trường cơ hội cho các nhà đầu tư.
Cụ thể, chúng ta có tiềm năng rất lớn về du lịch. Thực tế trong trung hạn, với trên 20 triệu khách quốc tế tới Việt Nam mỗi năm có thời gian nghỉ trung bình từ 5 – 7 ngày cho mỗi kỳ nghỉ, khách trong nước khoảng 85 triệu người có thời gian nghỉ từ 3 – 4 ngày, du lịch Việt Nam sẽ còn cần thêm nhiều hơn nữa các dự án đầu tư theo dạng quần thể, tích hợp cả du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm. Cơ hội cho mảng BĐS du lịch trong năm 2021 còn rất nhiều.
Cùng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực khẳng định ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng là nguyên nhân khiến phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trầm lắng thời gian qua. Tuy nhiên, về lâu dài, đây vẫn là phân khúc tiềm năng.
Vị chuyên gia này chỉ ra 3 lực đẩy cho sự hồi phục của BĐS nghỉ dưỡng. Một là, các bộ ngành và chính quyền địa phương đang thay đổi, điều tiết để cung cầu hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn. Hai là, ngành du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đóng góp khoảng 9,2% GDP và có thể lên đến 12 – 14% GDP vào 2025 như chiến lược phát triển du lịch mà Thủ tướng đã ban hành hồi đầu năm. Ba là, trong và sau dịch bệnh, xu hướng second-home ngày càng trở nên phổ biến hơn. Như vậy, đầu tư kênh này đòi hỏi trường vốn và mức độ kiên trì.
Để khởi động đường đua mới trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng 2021, ngay từ cuối năm 2020 các chủ đầu tư đang tăng tốc trên những vùng đất mới. Thay vì những thị trường nghỉ dưỡng quen thuộc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… các địa điểm du lịch giàu tiềm năng nhưng chưa quá phát triển như Phan Thiết, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Nguyên, Yên Bái, Hòa Bình, Hải Phòng… đang được các ông lớn đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Theo các chuyên gia trong ngành, tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam còn rất lớn nhờ tạo dựng được niềm tin trong giai đoạn chống dịch, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn và sự tăng trưởng kinh tế cao.