Thị trường chứng khoán vừa khép lại ngày thứ Hai cuối cùng của năm 2022 với một cơn bão. Sắc đỏ bao trùm thị trường, thậm chí hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán, bất động sản, thép,… còn giảm sàn. VN-Index một lần nữa xuyên thủng mốc 1.000 và đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên với mức giảm 35,13 điểm (-3,44%) xuống 985 điểm.
Thị trường giảm mạnh trong bối cảnh thanh khoản “sụt giảm áp lực” khi giá trị khớp lệnh trên HoSE chưa đến 8.500 tỷ đồng. Điểm sáng hiếm hoi đến từ giao dịch khối ngoại khi mua ròng 467 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Nhận định về thị trường trong những phiên tới, nhiều công ty chứng khoán đưa ra quan điểm thận trọng:
Trạng thái thị trường trở nên tiêu cực hơn
Chứng khoán KBSV: VN-Index trải qua một phiên giảm giằng co trước khi giảm mạnh về cuối phiên 26/12. Lực cầu suy yếu cộng với áp lực bán gia tăng khiến chỉ số mất ngưỡng hỗ trợ quanh 100x và trạng thái thị trường đang dần trở nên tiêu cực hơn .
VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm theo quán tính về các vùng hỗ trợ tiếp theo quanh 980 điểm và sâu hơn 96x để tìm cầu bắt đáy. Nhà đầu tư có thể gia tăng một phần vị thế ngắn hạn khi chỉ số về vùng hỗ trợ nhưng kiểm soát tỷ trọng ở mức an toàn.
Rủi ro giảm giá vẫn tồn tại
Chứng khoán TPS: VN-Index lao dốc mạnh và lần lượt rơi khỏi các ngưỡng hỗ trợ quan trọng là đường SMA 50 ngày và ngưỡng tâm lý 1.000 điểm với mô hình nến Marubozu đen đóng cửa. Điều này cho thấy thị trường đã quay trở lại xu hướng chính (xu hướng điều chỉnh dài hạn) sau một thời gian dài vận động không theo xu hướng trước đó.
Thanh khoản duy trì ở mức thấp (dưới trung bình 20 phiên gần nhất) cho thấy sự thiếu hụt dòng tiền trên thị trường. Đây là nguyên nhân chính khiến lực cầu sụt giảm tại các ngưỡng hỗ trợ quan trọng giúp chỉ số đảo chiều trong ngày 26/12. Bên cạnh đó, việc chỉ báo MACD và Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) tiếp tục đi xuống sau khi phát đi tín hiệu cảnh báo đảo chiều xu hướng trước đó. cho thấy rủi ro chỉ số tiếp tục giảm điểm là vẫn còn.
Xu hướng giảm có thể kéo dài
Chứng khoán Yuanta: Thị trường có thể tiếp tục đà giảm đầu phiên trong phiên tới và thu hẹp đà giảm về cuối phiên. VN-Index có thể kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ gần nhất tại 970 điểm và có thể dao động quanh đường trung bình động 50 ngày. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn có xu hướng gia tăng cho thấy xu hướng giảm có thể kéo dài về các ngưỡng thấp hơn trong các phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục sụt giảm mạnh cho thấy nhà đầu tư ngắn hạn đang trở nên bi quan hơn với diễn biến thị trường hiện tại.
Mức hỗ trợ không có nhiều ý nghĩa
Chứng khoán TVSI: VN-Index chốt phiên 26/12 bằng cây nến marubozu có giá đóng cửa thấp nhất ngày và khối lượng tăng đột biến cho thấy thị trường tiếp tục xu hướng giảm trước đó. Ngưỡng hỗ trợ tích cực quanh 1.010 điểm trong tuần trước tiếp tục bị xuyên thủng và với việc tiếp tục giảm điểm mạnh thì hiện tại trong ngắn hạn, các ngưỡng hỗ trợ gần nhất sẽ không còn ý nghĩa.
Trên đồ thị tuần, chỉ số xác nhận giảm điểm trở lại khi mất mốc 1.000 điểm và được dự báo sẽ tiếp tục giảm tạo đáy trung hạn trong vài tuần tới. Đáy trung hạn hai kỳ theo tuần của thị trường có thể hình thành bất cứ lúc nào với dấu hiệu cần thiết là điều kiện thanh khoản phải duy trì ở giá trị rất thấp.
Xu hướng giảm được xác nhận sẽ tiếp tục trong ngắn hạn và dự kiến sẽ tiếp tục trong các phiên tới. Kỳ vọng chỉ số sẽ tạo một đáy hai không thấp hơn đáy trước đó là 874 điểm.
Chủ động đứng ngoài quan sát
Chứng khoán VCBS: Trên quan điểm kỹ thuật, các chỉ số đều quay đầu đi xuống cho tín hiệu tiêu cực khi VN-Index liên tục mất điểm hỗ trợ. Với diễn biến hiện tại, nếu tình hình không được cải thiện và chỉ số chung giảm xuống dưới vùng 980 điểm, VN-Index sẽ hoàn thành sóng hồi thứ 4 và bước vào sóng 5 giảm theo lý thuyết sóng. Khi đó, áp lực bán nhiều khả năng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và nhà đầu tư không nên loại trừ khả năng xảy ra trường hợp xấu nhất.
Ngoài ra, 2 chỉ báo thể hiện độ mạnh của xu hướng là ADX và DI- đang dốc lên cho thấy quán tính giảm giá vẫn đang tiếp diễn. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư tích cực theo dõi thị trường từ bên lề, gia tăng tỷ trọng tiền mặt nếu VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 980 và tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi chỉ số chung tìm lại điểm cân bằng. sau xu hướng giảm.
Link nguồn: https://cafef.vn/goc-nhin-ctck-xu-huong-giam-co-the-mo-rong-nha-dau-tu-nen-chuan-bi-kich-ban-cho-truong-hop-xau-nhat-20221226190134838.chn