Áp lực tỷ giá không quá đáng ngại
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán TPS cho rằng khối ngoại tiếp tục gia tăng áp lực lên thị trường khi tiếp tục rút ròng. Nhiều khả năng phải chờ tới Quý 2/2024 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới bắt đầu lộ trình cắt giảm lãi suất, do đó câu chuyện chênh lệch lãi suất Việt Nam và Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài và động thái bán ròng của khối ngoại sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Về xu hướng tăng của tỷ giá, đội ngũ phân tích TPS nhìn nhận tỷ giá tăng do một số nguyên nhân như: (1) Nhu cầu nhập khẩu tăng do xuất khẩu phục hồi và nhập khẩu các mặt hàng tiêu dung trong Tết, (2) Ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý lo ngại Fed sẽ kéo dài thời gian cắt giảm lãi suất dẫn đến hiện tượng giữ USD tác động tới tỷ giá trên thị trường tự do, (3) Chênh lệnh lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam từ giữa 2022 đến nay luôn tạo áp lực lên tỷ giá. (4) Việc giá vàng trong nước tăng mạnh do nhu cầu tăng khiến các tiệm vàng tư nhân cũng tăng cường việc nhập khẩu vàng, từ đó gây áp lực lên tỷ giá tự do.
Theo quan điểm của TPS, tỷ giá sẽ không quá căng thẳng như trước đây vì được hỗ trợ bởi nguồn ngoại tệ của Việt Nam hiện nay vẫn khá dồi dào, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong những tháng đầu năm khá thấp và Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu tích cực.
VN-Index sẽ tích lũy trước khi vượt 1.300 điểm
Nhìn nhận về xu hướng thị trường, TPS cho rằng đà tăng của VN-Index sẽ chậm lại sau 4 tháng tăng liên tiếp và nhiều khả năng xuất hiện các phiên giằng co tích lũy nhiều hơn trước khi hướng đến kháng cự 1.290 – 1.310 điểm.
Các thông tin hỗ trợ thị trường thời gian tới đến chủ yếu từ: Mùa đại hội cổ đông với các kế hoạch kinh doanh, tăng vốn,…; Những thông tin liên quan đến KQKD ước tính Q1/24 dần hé lộ; Các quyết định chính sách lãi suất của các NHTW trên thế giới; Vận hành thử nghiệm hệ thống KRX có thể củng cố niềm tin cho thị trường nếu đạt được kết quả tích cực.
Về chiến lược đầu tư, TPS cho rằng ngân hàng và chứng khoán đang là hai ngành có xu hướng tốt trên thị trường.
Trong đó, nhóm ngân hàng đang được hỗ trợ bởi việc gia hạn Thông tư 02/2023 giúp các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất huy động hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, vướng mắc pháp lý BĐS đang dần được khơi thông, tạo điều kiện cho tín dụng phục hồi, tỷ lệ CASA phục hồi trở lại giúp NIM có thể cải thiện trong 2024 cũng là yếu tố hỗ trợ cho nhóm này.
Nhóm chứng khoán cũng kỳ vọng khởi sắc nhờ một số yếu tố như (1) lãi suất huy động đang liên tục giảm trong thời gian qua sẽ hỗ trợ cho sự dịch chuyển của dòng vốn đến kênh đầu tư CK (nơi có tỷ suất lợi nhuận cao hơn), qua đó hỗ trợ thanh khoản cho thị trường (2) Nền kinh tế phục hồi sẽ giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường cải thiện (3) Hệ thống KRX vận hành củng cố cho khả năng nâng hạng của thị trường.
Với khẩu vị rủi ro hơn, các ngành liên quan đến XNK và sản xuất có thể được lựa chọn với kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện và KQKD phục hồi trong quý 1/2024 nhờ mức nền thấp cùng kỳ.
Link nguồn: https://cafef.vn/vn-index-se-tich-luy-truoc-khi-vuot-1300-diem-tps-chi-ten-hai-nhom-co-phieu-du-bao-vuot-troi-so-voi-thi-truong-chung-188240312172610815.chn