Anh N.X.L (ở Hà Nội) cho biết, công việc môi giới căn hộ chung cư của anh những tháng gần đây khá bận rộn. Có ngày anh dẫn khách đi xem hơn chục lần. Phân khúc này đang được ưa chuộng, giá tăng mạnh. Vì thế, có trường hợp, chủ nhà thấy khách đến xem đông bất ngờ “quay xe” không bán mà chờ tăng giá thêm.
Cụ thể, anh L nhận rao bán căn hộ ở khu Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân (Hà Nội) với diện tích 80m2, giá 4,5 tỷ đồng.
“Sau khi lọc danh sách khách hàng có tiêu chí phù hợp với căn này, tôi hẹn chủ nhà dẫn khách đến. Trong vòng 2 tuần, sau hơn chục vị khách đến xem, có một căn vợ chồng trẻ trả giá 4,4 tỷ đồng. Chủ nhà đồng ý và hẹn ngày nhận cọc 300 triệu đồng và sẽ hoàn tất thủ tục giấy tờ trong vòng 1 tháng”, anh L kể.
Nghĩ rằng, cuộc giao dịch này đã gần đi đến thành công. Bất ngờ đến sát ngày hẹn đặt cọc, anh L nhận được cuộc gọi của chủ báo giá nhà đang tăng mạnh nên một là khách mua trả thêm, hai là với mức giá cũ thì chủ không bán.
“Chủ đòi tăng thêm 300 triệu đồng, tức giá phải là 4,8 tỷ đồng thì chủ mới chấp nhận bán. Nhận được thông tin, khách ngã ngửa vì chỉ trong vài ngày chủ đòi tăng cả mấy trăm triệu như vậy. Khách không thể thu xếp được tài chính nên hủy giao dịch này”, anh L chia sẻ.
Tương tự, chị Thanh – môi giới nhà đất cho biết, chị cũng gặp phải 3 trường hợp chủ nhà quay xe không bán với giá rao ban đầu mà đòi tăng giá thêm mấy trăm triệu. Có trường hợp, chủ nhà còn chấp nhận đền tiền cọc để giữ nhà, chờ tăng giá.
Chị Thanh chia sẻ, đầu tháng 3 nhận bán căn nhà 41m2 ở quận Thanh Xuân, chủ chào giá 4,25 tỷ đồng. Đánh giá về căn nhà, chị Thanh cho biết, căn nhà nằm trong ngõ sâu, nội thất đã cũ vì được xây dựng hơn chục năm. Nếu chủ mới về chắc chắn phải chi thêm 100-200 triệu đồng để sơn sửa.
Sau hơn 1 tháng dẫn khách đến xem, một cặp vợ chồng đồng ý xuống tiền với mức giá 4 tỷ đồng. Chủ cũng đã nhận cọc 100 triệu đồng. Tuy nhiên, được 3 ngày, chủ nhà gọi điện “lật kèo” không bán, chấp nhận đền cọc để giữ nhà. Chủ cho rằng, giá nhà đất đang tăng, bán với giá trên thì bị hớ.
Giới môi giới nhà đất thừa nhận rằng, gần đây xuất hiện hiện tượng chủ nhà thay đổi giá bán theo hướng tăng lên, bỏ cọc “quay xe” khá nhiều. Hiện tượng này xảy ra do chủ nhà thấy thị trường bất động sản khởi sắc, nhiều nơi giá tăng sau thời gian dài trầm lắng. Do đó, chủ lo ngại bán hớ nên đòi tăng giá. Điều này khiến nhiều thương vụ không chốt được mua bán, môi giới không có hoa hồng.
Lý giải nguyên nhân về hiện tượng trên, ông Trần Minh (CEO công ty bất động sản ở Hà Nội) cho hay, thời gian vừa qua, chung cư cũ, nhà trong ngõ, nhà thấp tầng tăng giá để đuổi kịp mặt bằng giá mới vì các dự án chung cư mới giá rất cao.
“Giá không chỉ tăng ở một khu vực, một ví trí mà tăng ở tất cả các vị trí, khu vực. Chung cư cũ, nhà trong ngõ đều tăng. Cả Hà Nội đều tăng”, ông Trần Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, dù bán đi có lãi, giá cao thì cũng không mua lại được căn có vị trí, khu vực tương tự. Chẳng hạn, trước đây, anh chị mua chung cư giá 1,5 tỷ đồng, giờ lên 2,2 tỷ, bán đi có lãi nhưng cũng không mua lại được căn chung cư có vị trí, công năng sử dụng, diện tích như thế.
“Nhiều người cho rằng do tiền mất giá chứ không phải do thay đổi vị trí, giá trị thực. Thế nên, với những người bán đi mà không biết kinh doanh sản xuất gì hay đầu tư vào đâu thì dẫn đến việc họ giữ lại không bán nữa mặc dù giá tăng cao.
Hiện nay, những người bán đa phần là dân đầu cơ, đầu tư và họ tìm thấy cơ hội tốt hơn. Với những người có nhu cầu mua ở thực cũng chỉ một phần mua được vì họ còn tiền. Còn đa phần sẽ khó mua dù lãi suất ngân hàng rẻ vì điều kiện cho vay không phải dễ, không phải ai cũng vay được”, ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, bất động sản “sốt” lần này chỉ trong khu vực, phạm vi, nhóm người nhỏ. Chứ không phải “sốt” toàn thị trường. Do đó, đây là nguyên nhân chính khiến chủ nhà “quay xe” vì họ có bán đi cũng không biết làm gì.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/dang-luc-bat-dong-san-nong-gia-chung-cu-nha-dat-deu-tang-vi-sao-chu-nha-quay-xe-khong-ban-176240322143432188.chn