Thách thức về dòng tiền biến động khi thanh khoản dự án chậm, áp lực đáo hạn nợ trái phiếu, khó tiếp cận vốn ngân hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp BĐS lao đao. Cận kề bờ vực phá sản, thu gọn quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự… là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp địa ốc.
Mới gần 1 năm thị trường BĐS trầm lắng, nhiều doanh nghiệp BĐS thừa nhận đã buộc phải thu gọn hoạt động, cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí lương thưởng, truyền thông dự án… Có doanh nghiệp cũng gửi “kêu cứu” đến cơ quan chức năng khi đứng trước cảnh các dự án “đóng băng”, dòng tiền gần như âm.
Giải pháp nào để vực dậy ngành kinh doanh bất động sản? Đó là chủ đề thảo luận được nhiều chuyên gia nêu ra trong các buổi tọa đàm, hội thảo. Hạn chế thanh toán trái phiếu, hỗ trợ nới room tín dụng để tăng giải ngân cho BĐS… là hàng loạt động thái được cơ quan chức năng đưa ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp BĐS vượt qua khó khăn.
Nhưng “để phục hồi hoàn toàn”, các doanh nghiệp BĐS cần có giải pháp rõ ràng hơn và tác động mạnh mẽ hơn. Các chuyên gia nhấn mạnh, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp BĐS từ Nhà nước là phải làm nhưng bản thân doanh nghiệp phải “tự cứu mình”.
Trong một tọa đàm mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM – người đã gửi nhiều kiến nghị cứu doanh nghiệp BĐS và thị trường, thẳng thắn cho rằng doanh nghiệp cần giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận. Doanh nghiệp nên thực hiện các giải pháp như thời gian qua như chiết khấu 45%, 50%, chiết khấu sâu, chuyển đổi trái phiếu… Ông Châu cũng đề nghị doanh nghiệp sẵn sàng bán, chuyển nhượng những dự án không đủ vốn. tiếp tục đầu tư để có thể tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam – ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đặt câu hỏi: Các doanh nghiệp BĐS đã làm gì để tự tháo gỡ khó khăn? Người dân thực sự có nhu cầu về nhà ở đã tiếp cận được nhà ở chưa? Điểm an toàn vốn chấp nhận được của doanh nghiệp là bao nhiêu để có sản phẩm tiêu thụ được trên thị trường?
Theo ông Hùng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nắm bắt giải pháp của mình để từ đó kiến nghị với các ngân hàng, tổ chức tài chính, bộ ngành… Các dự án nhưng chỉ có 2 dự án là pháp lý đầy đủ, 8 dự án đang hoàn thiện. Vậy ngân hàng cho vay như thế nào? Với 8 dự án chưa có pháp lý thì làm sao phát hành trái phiếu được?”
Cùng quan điểm về việc bản thân doanh nghiệp phải tự cứu mình, TS Cấn Văn Lực từng thẳng thắn nói: Không phải dòng vốn từ ngân hàng vào lĩnh vực BĐS thấp. Thực tế, các doanh nghiệp BĐS từng phát hành trái phiếu lớn nhưng khi đến hạn lại tìm đến ngân hàng. Các ngân hàng không đủ vốn để “đáp ứng” nguồn tiền cho doanh nghiệp địa ốc. Đó là lý do mà ông Lực nhấn mạnh, bản thân doanh nghiệp phải cơ cấu lại nguồn vốn.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng cuối tháng 12, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: Doanh nghiệp cần bán bớt các dự án chưa triển khai, tập trung hoàn thành sớm các dự án dở dang. Từ đó tạo dòng tiền để thực hiện các dự án tiếp theo”, ông nói.
Theo Thứ trưởng, về lâu dài khi triển khai các dự án, doanh nghiệp phải sử dụng vốn vay của dự án nào để thực hiện dự án đó, tránh tình trạng mất cân đối tài chính.
Link nguồn: https://cafef.vn/chuyen-gia-muon-tu-cuu-minh-doanh-nghiep-bat-dong-san-can-giam-ky-vong-loi-nhuan-giam-gia-ban-45-50-20230114071558079.chn