Trong một cuộc thảo luận được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chia sẻ rằng: “Nếu hỏi tôi đánh giá thẳng thắn tình hình bất động sản năm 2022 như thế nào thì khó!”.
Trước đó, trong nhiều chia sẻ với báo chí và tại các sự kiện tọa đàm, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng đã phân tích rõ những điểm khó của thị trường bất động sản.
Một trong những vướng mắc hiện nay được ông Khương chỉ ra nằm ở quy định về thu hút vốn. Quy định này gây khó cho người tiêu dùng vì họ sẽ phải tích lũy nhiều hơn, trả lãi nhiều hơn cho ước mơ an cư và làm việc tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Mặc dù thị trường còn khó khăn nhưng theo ông Khương, điểm sáng trong bức tranh trên là động lực di cư đến các khu đô thị vệ tinh, như TP.HCM vào khu vực Long An, Bình Dương, và Đồng Nai. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, đây là động lực để các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vì so với bất động sản thương mại, nghỉ dưỡng, thời gian thu hồi vốn phải từ 10 đến 20 năm thì bất động sản nhà ở chỉ mất một nửa thời gian đó.
Theo ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Group, phàn nàn không phải là giải pháp lúc này mà thay vào đó, doanh nghiệp nên tính toán giá bán, chính sách bán hàng, chi phí để các bên cùng khắc phục. .
Ông Lâm cho rằng, giá BĐS giảm nhưng chỉ trong thời gian ngắn và về lâu dài, giá BĐS khó giảm khi nhìn vào các yếu tố cấu thành giá như tiền mua đất, chi phí bán hàng, vốn vay.
Đó là lý do khiến ông Lâm cho rằng thị trường sẽ chỉ khó khăn trong ngắn hạn. Tham gia thị trường năm 2008, ông Lâm cho biết tình hình lúc đó tồi tệ hơn bây giờ rất nhiều. Vì vậy, ông Lâm cho rằng, thị trường chỉ đang sàng lọc. Và đây là thời điểm để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tái cấu trúc tổ chức và lựa chọn những con đường an toàn hơn.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, người tiêu dùng sẽ có tâm lý mong đợi giá giảm hơn nữa để mua. Diễn biến thị trường thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, đó là nhận định của bà Dung.
Trong khi đó, ông Trần Khánh Quang, người nhiều năm nghiên cứu thị trường bất động sản cũng nhận định về sự khó khăn của kênh đầu tư này. Theo ông Quang, tình trạng lệch pha cung – cầu sẽ còn diễn ra và kéo dài. Chẳng hạn, ở thị trường căn hộ, nguồn cung tập trung đáp ứng nhu cầu đầu tư của phân khúc trung – cao cấp. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực chỉ chiếm 20% trong khi người mua để ở chiếm 90%. Điều nghịch lý là phân khúc được ưu tiên cho vay lại thiếu nguồn cung, phân khúc tồn kho tăng mạnh thì tín dụng lại bị hạn chế.
Ông Quang cho rằng, trong thời gian ngắn từ nay đến đầu năm 2023, khả năng cải thiện vẫn chưa thể thực hiện được. Nhưng đến năm 2024, cán cân cung cầu trên thị trường sẽ ở trạng thái cân bằng hơn. Đáng chú ý, giao dịch chậm vẫn kéo dài đến đầu năm 2023.
Ông Quang đưa ra dự báo, kịch bản xấu cho thị trường bất động sản năm 2023 sẽ chiếm 60%, trung bình chiếm 20% và kịch bản tốt là 20%. Doanh nghiệp có thể còn khó khăn về vốn. Tình hình cho vay bất động sản vẫn chưa có nhiều điểm sáng.
Ông cho rằng, đến quý II / 2023, tình hình các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ bộc lộ rõ tiềm năng, lúc này thị trường mới có thể đánh giá rõ những diễn biến tiếp theo.
Link nguồn: https://cafef.vn/chuyen-gia-thi-truong-bat-dong-san-hon-10-nam-truoc-khung-khiep-hon-rat-nhieu-20221104100900008.chn