Nguyên nhân khiến thị trường sôi động
Nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ hồi khá nhanh, điều này kéo theo khả năng “bật lò xo” của thị trường bất động sản trong năm 2022. Một trong những yếu tố tác động tích cực tới thị trường bất động sản là môi trường pháp lý dần được hoàn thiện khi Chính phủ dự kiến trình Quốc hội sửa Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, liên tiếp trong nhiều năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều động lực phát triển nhất khu vực châu Á. Bất động sản duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm và dự báo có nhiều triển vọng tích cực trong năm tới dựa trên các yếu tố vĩ mô bền vững.
Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế vừa và nhỏ có sức bật tốt, lợi thế về quy mô dân số, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, dự báo sẽ duy trì tăng trưởng hơn 6% trong những năm tới… Đây chính là lợi thế giúp bất động sản Việt Nam duy trì nhịp tăng trưởng nhất định và vượt qua lực cản của dịch bệnh.
Về triển vọng thị trường bất động sản năm 2022, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, những lợi thế của bất động sản Việt Nam vẫn giữ nguyên trong dài hạn. Việt Nam đang là điểm đến tiềm năng khi các thị trường xung quanh dần nóng lên.
Hơn nữa, thị trường bất động sản tận dụng được lợi thế từ các gói kích thích cũng như chính sách tín dụng và năm nay tiếp tục là năm củng cố về thể chế, tập trung vào các chính sách quản lý thị trường, quản lý dữ liệu thị trường.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hay, hiện nay, doanh nghiệp đã khôi phục 70% hoạt động ở công trường dù công nhân gặp nhiều khó khăn trong việc quay trở lại. Thời gian qua, dù nguồn cung giảm so với những năm trước, nhưng quý cuối năm 2021 được đánh giá là sôi động nhất khi cung cầu gặp nhau sẽ tạo sự sôi động cho thị trường.
Dự báo nhiều phân khúc tăng trưởng mạnh
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng, bất động sản vẫn là thị trường hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, thị trường này sẽ tạo ra nhiều đột phá trong năm mới. Trong khi đó, phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tăng nóng khi đà thu hút FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, cùng với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mới.
Bên cạnh đó, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ “bật dậy” trong năm nay nếu như Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa dịch vụ du lịch theo lộ trình. Kỳ vọng đến tháng 7/2022 thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Còn với phân khúc nhà ở giá rẻ và trung bình cũng có thể tăng lên khi chính sách được hoàn thiện và đi vào thực thi, phân khúc đất nền phát triển bình thường và sẽ không tăng mạnh.
Ông Nguyễn Chí Thanh dự báo, năm 2022 nguồn cung sẽ tăng, tuy nhiên với định hướng chung, tăng trưởng chung của thị trường sẽ được điều tiết bởi chính sách vĩ mô. Phân khúc đất nền và cao cấp vẫn sẽ có sự tăng trưởng tốt và phân hóa rõ rệt, đồng thời sẽ có căn hộ siêu cao cấp. Giá căn hộ bình dân và trung cấp với sự hỗ trợ của Nhà nước được dự báo sẽ ổn định hơn về giá.
“Với chính sách phục hồi phát triển kinh tế, bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá sẽ là điểm sáng hấp dẫn đầu tư trong năm 2022 với vai trò tiên phong trong thúc đẩy đô thị hoá”, ông Thanh nhận định.
Còn theo ông Đính, về cơ bản, thị trường đất nền vẫn đang có dư địa phát triển lớn, nhất là tại những khu vực, địa phương có sự phát triển mạnh về hạ tầng và tốc độ đô thị hóa cao. Vì vậy, trong quý I và quý II/2022, nhu cầu mua đất nền làm tài sản vẫn được nhiều nhà đầu tư ưa chuộng.
Ông Đính cho rằng, kịch bản nguồn cung sản phẩm tiếp tục khan hiếm và với lực cầu tốt, sự nóng lên của thị trường bất động sản nói chung và phân khúc đất nền nói riêng trong nửa đầu năm 2022 là có cơ sở.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp, nhà đầu tư không thể bỏ tiền để kinh doanh các loại hình khác thì đất nền vẫn có khả năng sinh lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc đầu tư vốn thật, hạn chế sử dụng các nguồn vay vốn tín dụng để hạn chế rủi ro.
Theo ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc bộ phận Nguyên cứu và phát triển (R&D) của DKRA Việt Nam, dòng tiền chảy vào thị trường bất động sản sẽ vẫn tích cực, dự báo nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua tương đương cuối năm 2021 và có thể tăng nhẹ nhưng không quá mạnh.
Nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn, nguồn cung mới và thanh khoản sẽ tăng trưởng có chọn lọc. Những dự án có hạ tầng tốt, pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi thì lượng tiêu thụ tích cực hơn năm trước, nhưng cũng sẽ không có “sốt” bất động sản trong năm 2022.
Các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ tạo ra tác động rất lớn đến phát triển kinh tế – xã hội và hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, số tiền hỗ trợ sẽ chảy sang thị trường chứng khoán và các lĩnh vực khác cũng giúp thị trường bất động sản được hưởng lợi, dự báo khi gói kích thích kinh tế thông qua sẽ giúp thị trường bất động sản năm 2022 tươi sáng hơn.
Tuy nhiên, để thị trường bất động sản phát triển bền vững, dư nợ tín dụng bất động sản phải kiểm soát chặt chẽ, nếu để dòng tiền đổ vào thị trường bất động sản quá lớn sẽ dẫn đến xảy ra bong bóng bất động sản.
Nguồn: cafef.vn