Thị trường BĐS giai đoạn 2020 – 2021 đến đầu năm 2022 liên tục trong tình trạng sôi động, thậm chí, nhiều khu vực đã lên cơn sốt nóng. Đến quý II/2022, thị trường BĐS bất ngờ “đạp phanh” khi chính sách tiền tệ thay đổi, tín dụng và trái phiếu bị kiểm soát chặt chẽ khiến thanh khoản sụt giảm nhanh chóng.
Theo đó, nhiều nhà đầu tư chưa kịp “thoát hàng” đã rơi vào thế bế tắc, đặc biệt là những người dùng đòn bẩy để mua. Đến nay, nhiều người không chịu được áp lực đòn bẩy, khi lãi suất tiếp tục tăng. Theo đó, môi giới nhà đất cũng phải đau đầu vì những cuộc gọi từ người bán.
Anh Nguyễn Văn Quyết, môi giới nhà đất tại Quảng Ninh cho biết, thị trường bất động sản trầm lắng, tình trạng bán tháo diễn ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, người bán “xuống nước” nhưng cũng khó tìm được người mua. Vì tìm dòng tiền rất khó nên nhà đầu tư cũng không có tiền để mua.
“Đã 4 tháng rồi, tôi chỉ có 2 giao dịch. Tôi cũng đã gọi điện cho khách hàng cũ nhưng giờ ai cũng từ chối mua, dù nhiều chủ đất đang chấp nhận cắt lỗ 20-30%, thậm chí hơn tùy vị trí lô đất. Theo tôi thấy, từ nay đến cuối năm thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc, vẫn rất khó bán”, môi giới này nói.
Theo anh Quyết, không bán được đất, nhiều nhà đầu tư quay sang hỏi anh mua lại những mảnh đất anh đang cầm với giá thấp hơn. “Nhiều người hiện bị ngợp nên muốn giải phóng nhanh, chấp nhận giảm thêm để mua bán hưởng chênh lệch. Nếu như trước đây, thị trường còn thanh khoản, khi gặp hàng giá rẻ, môi giới góp tiền ôm. Nhưng nói thật là bây giờ không có giao dịch, tôi không dám và cũng không có tiền để ôm ngay”, ông Quyết nói.
Anh Vũ Thanh Tùng, chủ một văn phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, thời gian gần đây, mỗi tuần văn phòng của anh đón 20 lượt khách. Tuy nhiên, những người này đến không phải hỏi mua mà rao bán lô đất đang cầm trên tay.
“Tôi từng bán đất cho khách, giờ họ muốn tôi mua lại với giá rẻ. Phần lớn, mức cắt lỗ khoảng 20-30%, nhưng nếu bạn bán cho văn phòng môi giới, giá sẽ mềm hơn. Nhưng giờ tôi cũng hết tiền, vì trước tôi cũng ôm đất đầu tư, nhưng giờ bán chưa được. Muốn bán được ngay thì phải giảm giá, cắt lỗ”, ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, ông Tùng cũng chia sẻ, văn phòng môi giới mua bán đất nền cũng giống như một chủ đầu tư. Vì vậy, nó cũng sẽ chọn thời điểm thích hợp để mua với giá tốt nhất.
“Trong bối cảnh lãi suất liên tục tăng như hiện nay, giá bất động sản tiếp tục giảm. Chính vì vậy, hiện tại tất cả từ văn phòng đất nền, nhà đầu tư,… đều sẽ không chọn mua thời điểm này. Có thể, khoảng 1 năm nữa, khi giá tốt hơn, thanh khoản mới có thể sôi động trở lại”, anh nói.
Trên thực tế, giá bất động sản dù đang có xu hướng giảm nhưng vẫn neo ở mức cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều người. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư muốn tiếp tục mua vào thời điểm này nhưng khó khăn về dòng tiền đang là rào cản lớn khiến thanh khoản giảm sút.
Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, không khó để lý giải thực trạng trên, sự “nóng vội” đã đẩy giá đất thổ cư lên cao hơn nhiều so với giá trị thực và mặt bằng chung. Nên hiện tại nhà đầu tư không dám bỏ tiền vào nữa. Người có nhu cầu không đủ tiền mua nên thị trường không có giao dịch.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, phân khúc bất động sản như đất nền, nhà liền kề… đã đẩy giá lên quá cao và sẽ mất thanh khoản trong thời gian dài nếu tiếp tục giữ giá bán cao như hiện nay. Việc giá bất động sản mở bán được chủ đầu tư giảm 20-30% so với thị trường là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Link nguồn: https://cafebiz.vn/moi-gioi-bat-dong-san-du-gap-duoc-hang-ngop-gia-re-nhung-cung-khong-dam-om-vao-176221128081621814.chn