Hiện nay, kết nối giao thông giữa Tp.HCM với 7 tỉnh lân cận chủ yếu mới chỉ dựa vào một số tuyến đường cao tốc như cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây kết nối các tỉnh phía Đông; đường cao tốc Tp.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận kết nối các tỉnh miền Tây. Các dự án khác như tuyến đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Long Thành vẫn đang triển khai. Còn cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài, Tp.HCM – Chơn Thành nhanh nhất năm 2025 mới khởi công.
Thực tế, nhu cầu vận tải hàng hóa và con người ngày càng tăng cao, trong khi các tuyến đường cao tốc, đường bộ dù cho mở đến 6 – 8 làn cũng chỉ “trụ” được thời gian ngắn là nhanh chóng quá tải. Do đó, cần phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại, kết nối các cảng biển quan trọng của Tp.HCM và khu vực phía Nam.
Theo báo cáo giữa kỳ Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Tp.HCM, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) lấy ý kiến, ngoài nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội – Tp.HCM hiện hữu, cần bổ sung quy hoạch 7 tuyến khác.
Để kết nối với tỉnh Đồng Nai cần ba tuyến, gồm: Trảng Bom – Ga Sài Gòn – Ga Tân Kiên dài hơn 102km; tuyến đường sắt tốc độ cao Thủ Thiêm – sân bay Long Thành dài là 48,5km; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành dài 49,3km.
Tuyến đường sắt T p. HCM tới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) dài 61,2km. Tuyến đường sắt TPHCM – Lộc Ninh (Bình Phước) dài 52,3km. Tuyến đường sắt TPHCM – Cần Thơ dài 174km. Tuyến đường sắt đôi chuyên dụng chỉ vận chuyển hàng hóa từ cảng Hiệp Phước (TPHCM) và cảng Long An dài 54,3km.
Dự kiến. Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến khai thác giai đoạn 1 năm 2026. Nhưng hiện từ sân bay Long Thành đi về Tp.HCM, trong đó, có sân bay Tân Sơn Nhất giao thông đã quá tải. Do đó, cần ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, chủ yếu phục vụ vận tải hành khách, tốc độ vận tốc tối đa 80km/giờ, vận tốc khai thác 60km/giờ. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng.
Hiện Bộ GTVT đang nghiên cứu tuyến đường sắt này, sau đó kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, nếu làm đường sắt mà kêu gọi đầu tư PPP sẽ rất khó. Vì vậy, Tp.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang bắt tay rà soát, đẩy nhanh quy hoạch đô thị gắn với nhà ga đường sắt đi qua địa phương mình.
Theo liên danh tư vấn Quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối Tp.HCM thời kỳ 2021-2030, các địa phương cần nghiên cứu, quy hoạch diện tích đất xung quanh các nhà ga đảm bảo có đủ không gian phát triển mới. Từ đó, tạo nguồn nội lực quan trọng cho các dự án đường sắt khi triển khai từ đấu giá bất động sản tại nhà ga TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng).
Link nguồn: https://cafef.vn/se-co-7-tuyen-duong-sat-di-tu-tphcm-den-dong-nai-long-an-tay-ninh-binh-phuoc-can-tho-188240311130109481.chn