Mới đây, tại văn bản số 5269/VPCP-CN ngày 30/6/2020 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các loại hình bất động sản du lịch, lưu trú.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, theo chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với lĩnh vực này.
Ngày 20/01/2020, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 276/BXD-QLN để chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương một số nội dung liên quan đến quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú.
Trong đó, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các dự án có hiện tượng chuyển đổi căn hộ du lịch, biệt thự du lịch sang thành nhà ở và cần xem xét thận trọng, thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất được duyệt, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đồng thời phù hợp với khả năng dung nạp dân số, khả năng đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực; tuân thủ quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng.
Để tiếp tục hoàn thiện pháp luật, lãnh đạo Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
Theo đó, sẽ quy định rõ việc xây dựng, kinh doanh bất động sản du lịch, lưu trú (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú) để đảm bảo quyền lợi cho các bên, tránh rủi ro cho người dân.
Trong khi chờ đợi hoàn thiện về mặt pháp lý căn hộ du lịch (condotel) thì thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý II/2020 vẫn có 92 dự án với 6.300 căn hộ du lịch, 197 biệt thự du lịch và 46 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 91 dự án với 19.878 căn hộ du lịch và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng; 12 dự án với 70 căn hộ du lịch, 256 biệt thự du lịch và 1 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành.
Một số địa phương trọng điểm về cấp mới dự án du lịch nghỉ dưỡng như: Khánh Hòa cấp phép 3 dự án; Phú Yên cấp phép 2 dự án, trong khi quý I/2020 là 0 dự án.
Cũng theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý II/2020, có 22 dự án (bằng 69% quý I/2020) được Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng với số lượng căn hộ. Trong số đó, condotel có 668 căn (bằng 27% quý I/2020); văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) 931 căn (quý I/2020 là 0 căn).
Theo Bộ Xây dựng, đến thời điểm tháng 7/2020, các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã hoạt động trở lại cùng với các chính sách khuyến mãi để kích cầu du lịch trong nước. Các doanh nghiệp kinh doanh đang trên đà phục hồi sau thời gian dài giãn cách xã hội với hiệu suất kinh doanh bình quân ngày một tăng, đạt khoảng 30 – 40%.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, thị trường condotel vẫn đang chịu tác động từ 3 yếu tố chính:
Thứ nhất, năm 2018, việc quản lý đất đai, phê duyệt một số dự án trước đây ở Nha Trang và Đà Nẵng bị thanh tra, đã khiến khâu phê duyệt các dự án mới cẩn trọng hơn.
Thứ hai, sự cố Cocobay Đà Nẵng vào cuối năm 2019 đã khiến nhiều nhà đầu tư thứ cấp suy nghĩ lại về sản phẩm này.
Thứ ba, Covid-19 và các biện pháp chống dịch như giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người đã ảnh hưởng đến hoạt động mở bán bất động sản nói chung, không riêng gì condotel. Covid-19 cũng khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói chung trở nên ảm đạm từ tháng 3 đến nay, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của nhà đầu tư thứ cấp, cũng như chủ đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, ít nhất trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, thị trường du lịch Việt Nam đã phát triển nhanh trong thời gian qua và hứa hẹn còn nhiều tiềm năng tăng tốc, do đó rất cần sản phẩm condotel. Trên thực tế, mô hình condotel được nhiều nước thực hiện rất thành công, bởi thế sản phẩm này cần được đánh giá đúng vị thế, tiềm năng và tính pháp lý buộc phải rõ ràng.