Quảng Nam tìm cách bình ổn giá nguyên vật liệu
Tại nhiều phiên tòa khiếu kiện đất đai trong nhiều năm qua tại Quảng Nam, khi đề cập đến đất thổ cư, là gần như rơi vào bế tắc bởi ở miền đất Quảng Nam khi người dân lẫn luật sư đưa ra giải thích và lập luận “thổ” là đất và “cư” là ở. Nên cái sự đất “thổ cư” là đất ở khiến sự minh định của quan tòa các cấp gặp nhiều khó khăn. Nhất là khi thu hồi đất người dân yêu cầu đến bù đất thổ cư là đất ở.
Thống kê hiện có đến 148.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, ghi gộp đất ở và đất vườn thành “đất thổ cư” (ký hiệu chữ T), tại 13 huyện, thị xã, thành phố, trừ 5 huyện miền núi cao của tỉnh. Đây là nguyên nhân chính của hàng loạt vướng mắc dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại trên địa bàn tỉnh khu thu hồi đất.
Việc thu hồi đất thổ cư để đầu tư các công trình gặp nhiều vướng mắc khó khăn do khiếu kiện kéo dài.
Để giải quyết dứt điểm hệ lụy từ đất thổ cư, cuộc họp UBND tỉnh mới đây đã yêu cầu các địa phương phải tích cực rà soát, tổng hợp, làm cơ sở để Sở TN-MT tổng hợp, báo cáo tham mưu UBND chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến “đất chữ T”.
UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Sở TN-MT làm việc với các địa phương khẩn trương chỉ đạo các phòng, ban liên quan thực hiện nghiêm túc việc rà soát, giải quyết tồn tại trong việc cấp GCNQSDĐ thổ cư. Trong đó chủ động rà soát các trường hợp đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố cấp GCNQSDĐ ghi mục đích sử dụng là đất “thổ cư” hoặc “đất ở + vườn”, “đất ở + vườn tạp”; xác định rõ số lượng GCNQSDĐ đã cấp, các trường hợp đã thực hiện quyền như chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế…
Đồng thời rà soát các trường hợp đã được cấp đổi GCNQSDĐ và xác định lại diện tích đất ở theo hạn mức quy định của UBND tỉnh; thống kê các vụ kiện hành chính liên quan đến việc xác định lại diện tích đất ở trên địa bàn và kết quả thi hành án.
Nhiều diện tích đất ở, đất trồng cây lâu năm, đất sản xuất…được ghi là đất thổ cư.
Trong 13 huyện thị, Thăng Bình là địa phương có số lượng GCNQSDĐ ghi “đất chữ T” tương đối lớn với khoảng 25.000 GCNQSDĐ đã được cấp. Địa phương đã thực hiện cấp đổi hơn 5.700 GCNQSDĐ và đang tiếp tục tổng hợp, cấp đổi lại theo đúng quy định và Thị xã Điện Bàn, có hơn 21.000 trường hợp có Giấy CNQSDĐ cấp là “đất thổ cư” đối với thửa đất có diện tích lớn hơn hạn mức đất ở theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại cuộc họp giải quyết “đất chữ T” đã phê bình nhiều địa phương về việc chậm tổ chức rà soát, chưa có báo cáo về nội dung trên. Hạn định đến ngày 15/6 yêu cầu các địa phương phải tổng hợp báo cáo đầy đủ cho Sở TN-MT để tổng hợp, hướng dẫn giải quyết các nội dung còn vướng mắc và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện. Địa phương nào tiếp tục chậm trễ, người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh.
Phó Giám đốc Sở TNMT Quảng Nam Nguyễn Trường Sơn cho biết, những vướng mắc, tồn tại liên quan đến đất thổ cư chưa giải quyết dứt điểm. Trong đó có nhiều trường hợp cấp GCNQSDĐ chưa đúng với quy định về Luật Đất đai qua các thời kỳ.
Để xử lý dứt điểm vấn đề này theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch UBND Trần Văn Tân yêu cầu đối với các trường hợp đã thực hiện quyền đối với toàn bộ thửa đất thì không xem xét, công nhận lại.
Nhiều trường hợp diện tích đất “thổ cư” ghi trên Giấy CNQSDĐ lớn hơn rất nhiều lần hạn mức đất ở, thậm chí có trường hợp đến 5.000 – 7.000m2 đất thổ cư mà không tách riêng diện tích đất ở.
“Riêng các thửa đất đã thực hiện quyền một phần thửa đất thì đối với diện tích còn lại tại giấy chứng nhận gốc, sẽ xem xét công nhận lại theo quy định. Đối với các trường hợp chưa thực hiện quyền của người sử dụng đất, UBND tỉnh chỉ đạo xem xét công nhận lại diện tích đất ở theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.Trường hợp có nội dung vướng mắc khác, UBND các huyện, thị xã, thành phố kịp thời báo cáo và đề nghị cụ thể, gửi Sở TN-MT để tổng hợp, nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện” – Ông Tân nói.
Tại thời điểm thi hành Luật Đất đai năm 1993, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khi thực hiện việc giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (Giấy CNQSDĐ) đối với đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ đã kết hợp cấp cả đất ở và đất nông nghiệp chung trong một giấy chứng nhận và trong nhiều Giấy CNQSDĐ đã ghi gộp đất ở + đất vườn thành “đất thổ cư” ký hiệu chữ “T” mà không tách riêng diện tích đất ở và diện tích đất vườn, ao… cụ thể.
Nhiều trường hợp diện tích đất “thổ cư” ghi trên Giấy CNQSDĐ lớn hơn rất nhiều lần hạn mức đất ở, thậm chí có trường hợp đến 5.000 – 7.000m2 đất thổ cư mà không tách riêng diện tích đất ở.
Việc ghi trong Giấy CNQSDĐ loại “đất thổ cư” với diện tích lớn hơn hạn mức đất ở như nêu trên do không tách loại đất ở với loại đất nông nghiệp (vườn, ao, chuồng trại…) gắn liền với đất ở theo hiện trạng là không phù hợp với Luật Đất đai.
Mặt khác, Luật Đất đai cũng không có quy định nào xác định loại đất là “đất thổ cư”. Việc ghi “đất thổ cư” trong Giấy CNQSDĐ trước đây cũng làm phát sinh hệ luỵ khiếu kiện, khiếu nại gia tăng; trong đó có nguyên nhân chính là do việc ghi gộp đất ở và đất vườn thành đất thổ cư.
Không chỉ đất thổ cư, mà đất công ích để lại cho mỗi địa phương (xã, phường, thị trấn) không vượt quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu công ích của địa phương cũng được rà soát và xử lý.
Để quản lý và sử dụng quỹ đất công ích đúng quy định, đồng thời giải quyết vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân đang sản xuất trên đất công ích ổn định cuộc sống, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất hướng giải quyết tồn tại, vướng mắc trong quản lý sử dụng quỹ đất công ích ở các địa phương theo các nhóm cụ thể đúng qui định của pháp luật.
Theo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, qua xem xét các vụ khiếu kiện, khiếu nại về đất đai trong phạm vi toàn quốc thì thấy tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về “đất thổ cư” nổi lên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, việc này ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn nên cần được khẩn trương chấn chỉnh tình hình này.