Lãi suất vay mua nhà tăng
Gặp khó khăn về tài chính do các kênh đầu tư của mình lao dốc, anh K (33 tuổi, Hà Nội) quyết định bán căn nhà đang ở với giá 1,35 tỷ đồng. Sau nửa tháng rao bán, anh K “chốt đơn” với một vị khách trong cùng TP.
Tuy nhiên, do thời gian gấp gáp, nên vị khách này phải đi vay ngân hàng thì mới có đủ tiền trả cho anh K. May mắn rằng, sau khi thẩm định, phía ngân hàng đã đồng ý cho vị khách vay và yêu cầu ký văn bản cam kết 3 bên. Sau đó, anh K đã tiến hành công chứng để chuyển nhượng quyền sở hữu nhà cho vị khách.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, anh K vẫn chưa thể nhận được đủ tiền bán ngôi nhà, do ngân hàng bất ngờ hoãn giải ngân tiếp vì hết room, do đó phải đợi còn hạn mức thì mới được giải ngân tiếp.
Điều này khiến anh K như “ngồi trên đống lửa”, bởi anh đang cần tiền gấp thì mới bán nhà, giờ đòi lại nhà thì không được mà đợi thì không biết khi nào ngân hàng mới giải ngân tiếp.
Cùng cảnh ngộ với anh K, anh T cũng đang nhấp nhổm không yên, bởi trước đó anh ký hợp đồng mua một căn hộ với giá 2,5 tỷ đồng và anh phải vay một ngân hàng 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù là đối tượng được ưu tiên vay vốn nhưng anh T vẫn phải đợi khi nào có khách vay trả thì mới được giải ngân.
Nhiều người mua nhà như “ngồi trên đống lửa”, nhấp nhổm không yên vì khó vay ngân hàng và mức lãi suất vay ngày càng tăng cao.
Trước đó, khoản vay của anh từng bị một ngân hàng từ chối với lý do cạn hạn mức cho vay với bất động sản, dù đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn , bao gồm cả việc chứng minh thu nhập thường xuyên.
“Tôi đang lo lắng vì chủ nhà hối thúc thanh toán sớm không sẽ hủy hợp đồng và đòi bồi thường theo cam kết. Nếu tình hình này kéo dài, tôi nghĩ rằng cuộc mua bán nhiều phần sẽ thất bại”, anh T nói.
Khác với anh K và anh T, nhiều người mua nhà còn đang phải đối mặt với việc lãi suất cho vay tăng lên. Đơn cử, bà M có vay ngân hàng để mua căn nhà thuộc một dự án. Tuy nhiên, do phía dự án chỉ liên kết với 2 ngân hàng nên bà M buộc phải chọn ngân hàng có mức lãi suất cho vay là 9,4%/năm, ưu đãi trong năm đầu và gần 11,5%/năm cho năm thứ hai, vì ngân hàng còn lại có mức lãi suất cho vay lên tới 12%/năm.
Khảo sát thực tế, Tiền Phong nhận thấy, theo công bố của các ngân hàng thì lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất hiện nay là từ 4,99%/năm, được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Tuy nhiên mức lãi suất này chỉ cố định trong 3 tháng đầu, đến tháng thứ 4 sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường .
Tiếp đến là ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng cho vay mua nhà với lãi suất vay ưu đãi 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu. Nhưng sau khoảng thời gian trên, lãi suất phải trả là 12%/năm.
Lần lượt sau đó là một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) cho vay mua nhà từ 5,9%/năm, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) 6,2%/năm, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) 6,99%/năm, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) từ 8,49%/năm,…
Cá biệt, theo khảo sát của Tiền Phong hồi tháng 2/2022, Shinhan Bank từng là ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà hấp dẫn nhất với mức 3,9%/năm . Nhưng ở thời điểm hiện nay lãi vay mua nhà tại ngân hàng này đã lên tới 8,2%/năm.
Tính toán kỹ khả năng trả nợ trước khi vay mua nhà
Theo giới chuyên gia, các ngân hàng đang kiểm soát hoạt động cho vay bất động sản nên nguồn vốn dành cho lĩnh vực này không còn dồi dào như trước, điều kiện vay chặt hơn và lãi vay cũng cao hơn. Bên cạnh đó, nhiều thủ tục vay vốn phức tạp, người đi vay còn phải đóng thêm tiền bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm khoản vay, thậm chí là bảo hiểm nhân thọ để được vay vốn thuận lợi.
Đồng thời, các chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay nói chung bao gồm cả cho vay mua nhà tăng là xu hướng tất yếu khi nền kinh tế đang dần khôi phục trở lại sau đại dịch, nhu cầu vốn tăng cao, các ngân hàng phải huy động vốn đầu vào với lãi suất tăng mạnh nên lãi suất cho vay đầu ra khó mà giữ thấp như trước.
Ngoài ra, đến hiện tại nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng và đang chờ chỉ tiêu cấp thêm từ Ngân hàng Nhà nước, nên sẽ chủ động lựa chọn khách hàng tốt để cho vay.
Chuyên gia khuyến cáo người mua nhà cần tính toán kỹ khả năng và dòng tiền chi trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng ở thời điểm hiện tại.
Nói về việc này, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã duy trì ở mức thấp trong suốt 2 dịch bệnh, dẫn đến dòng vốn chuyển hướng đổ vào nhiều lĩnh vực đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo,… tạo sức ép lớn lên việc huy động vốn của các ngân hàng . Do đó, lãi suất huy động buộc phải tăng nhanh để hút dòng tiền trở lại nên việc lãi suất cho vay phải điều chỉnh tăng là điều sớm muộn sẽ xảy ra.
Ở thời điểm hiện tại, ông Thịnh khuyến cáo người mua nhà cần tính toán kỹ khả năng và dòng tiền chi trả lãi vay và nợ gốc ngân hàng. Bởi ở hầu hết các ngân hàng, trong thời gian đầu vay vốn, khách hàng thường được hưởng chính sách lãi suất ưu đãi , nhưng hết thời gian ưu đãi, lãi suất được thả nổi theo thị trường. Vì thế, dù lãi suất có neo thấp như thời điểm năm 2020 – 2021 thì cũng sẽ đến lúc lãi suất tăng cao.
Đáng chú ý, theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), lãi suất cho vay thế chấp mua nhà trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục tăng. Sang đến năm 2023, mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà có thể đi ngang ở mức 11,2%, còn lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ ở mức 6% trong năm 2023.
Trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt tín dụng vào một số lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro như kinh doanh dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng, dự án có tính đầu cơ, lũng đoạn giá. Còn tín dụng ở những phân khúc tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế được khuyến khích, như nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.