Phiên giao dịch cuối tuần qua 23-2, chỉ số VN-Index lao dốc hơn 15 điểm, lùi về sát mốc 1.200 điểm, cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh. Dù vậy, nhiều cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì sắc xanh, có mã đóng cửa tăng mạnh và đạt mức giá cao nhất từ trước tới nay.
Điển hình là BID của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Giá đóng cửa của BID trong ngày thị trường giảm mạnh là 52.000 đồng/cổ phiếu, tăng 4,52% so với phiên trước. Nếu tính từ tháng 10 năm ngoái đến nay, cổ phiếu BID đã tăng một mạch khoảng 40%. Mã BID cũng đang ở vùng giá cao nhất trong lịch sử (tính theo giá đã điều chỉnh sau khi chia cổ tức) của cổ phiếu này từ khi lên sàn.
Giá trị vốn hóa của BID cũng tăng vọt lên hơn 296.000 tỉ đồng (xấp xỉ 12 tỉ USD), chỉ xếp sau Vietcombank trong ngành ngân hàng.
Diễn biến của BID gây bất ngờ trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng khác vẫn chưa phục hồi lên mốc cao nhất trong 1-2 năm qua.
Vậy điều gì đã thúc đẩy cổ phiếu BID tăng giá mạnh?
Báo cáo kết quả kinh doanh của BIDV năm 2023 cho thấy đến hết 31-12-2023, các chỉ tiêu kinh doanh đều đạt kế hoạch. Tổng tài sản đạt 2,3 triệu tỉ đồng, giữ vững vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 16,5%. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 16,66%, bảo đảm giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao.
Tỉ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,1%. Ngân hàng này cũng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.650 tỉ đồng, đứng thứ 2 trong tốp các ngân hàng có mức lợi nhuận cao nhất năm 2023.
Không chỉ BID, trong số cổ phiếu ngân hàng “dậy sóng” thời gian qua, một số cổ phiếu khác như ACB, HDB cũng liên tục tăng cao và đang ở vùng đỉnh lịch sử. Như cổ phiếu ACB của Ngân hàng Á Châu đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 23-2 ở mức 27.300 đồng, giảm nhẹ 1,27% so với phiên trước. Trong phiên 23-2, có thời điểm giá cổ phiếu ACB chạm 28.300 đồng là mốc cao nhất trong lịch sử của ngân hàng (tính theo giá cổ phiếu đã chia tách cổ tức hàng năm).
ACB cũng gia nhập đợt tăng giá mạnh của cổ phiếu dòng ngân hàng từ tháng 10 năm ngoái đến nay, với mức tăng hơn 20%. Ngân hàng này có kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023.
Báo cáo kết quả kinh doanh 2023 cho thấy ngân hàng hoàn thành tất cả mục tiêu kinh doanh đã đăng ký ở đại hội đồng cổ đông, với mức tăng trưởng tín dụng 17,9%, huy động tăng 16,6%, lợi nhuận vượt 20.000 tỉ đồng.
Tăng trưởng lợi nhuận của ACB chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với cùng kỳ. Dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB.
Đáng chú ý, năm 2023, quy mô tín dụng của ACB tăng 17,9%, cao hơn mức 13,7% bình quân ngành, là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Một ngân hàng khác đang có cổ phiếu ở vùng cao đỉnh lịch sử là HDB của Ngân hàng Phát triển TP HCM (HDBank). Giá HDB hiện ở 22.500 đồng/cổ phiếu, giảm 1,75% so với phiên trước. Dù cổ phiếu HDB hạ nhiệt vài ngày qua nhưng vẫn đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, góp mặt vào danh sách những cổ phiếu ngân hàng có giá vượt đỉnh, dù chỉ số VN-Index ở hiện tại quanh vùng 1.200 điểm, thua xa vùng đỉnh 1.500 điểm lập vào đầu năm 2022.
Về hoạt động kinh doanh, năm 2023, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 13.017 tỉ đồng, tăng 26,8% so với năm trước. Nợ xấu riêng lẻ ở mức 1,5%, ngân hàng chủ động tăng trích lập dự phòng để củng cố bộ đệm tài chính. Đến ngày 31-12-2023, tổng tài sản của ngân hàng này đạt trên 602.000 tỉ đồng.
Link nguồn: https://cafef.vn/ngan-hang-co-co-phieu-vuot-dinh-lich-su-dang-lam-an-ra-sao-188240225101438356.chn