Savills vừa ra mắt dịch vụ Đại diện chủ sở hữu khách sạn (Hotel Owners Representative – HOR) để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch nghỉ dưỡng và lưu trú đang chịu cú sốc nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19.
Tại buổi công bố chương trình này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương cho biết, 70 năm qua đã có nhiều biến động xảy ra nhưng chưa có lần nào tác động mạnh mẽ đến thị trường du lịch khách sạn như hiện nay.
Hơn 6 tháng đầu năm 2020 không có giao dịch mua bán sáp nhập các dự án bất động sản nghỉ dưỡng hay khách sạn tại thị trường Việt Nam do đây là giai đoạn không chắc chắn trước diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19. Đến tháng 7/2020 có khoảng 9 dự án bất động sản nghỉ dưỡng được đưa ra thị trường sơ cấp trong khi năm ngoái có tới 23 dự án, cho thấy nguồn cung cũng sụt giảm rất mạnh.
Các thương vụ M&A khách sạn, khu resort trong cả năm 2020 được dự báo ít hơn năm 2019 do đây là giai đoạn rất khó để định giá tài sản cũng như khó dự báo mức độ rủi ro. Khi diễn biến đại dịch ngày càng trở nên phức tạp, các nhà đầu tư phía bên mua không thể di chuyển để xúc tiến quá trình đàm phán, cũng là một trở ngại cho quá trình giao dịch do đường bay quốc tế chưa được mở trở lại. Ngoài ra, cũng có những thương vụ bị trì hoãn vì giá trị tài sản và hoàn cảnh hiện tại có nhiều thay đổi so với năm 2019.
Ông Mauro Gasparotti dự báo trong vòng 1-2 năm tới có thể mảng khách sạn chứng kiến làn sóng mua bán sáp nhập mạnh mẽ hơn khi diễn biến và xu hướng của thị trường rõ ràng hơn. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận, trong bối cảnh khó đoán định của dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu, không thể chắc chắn về thời điểm phục hồi vì phụ thuộc rất lớn vào việc mở cửa đường bay quốc tế. Nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang cân nhắc một cách thận trọng việc nối lại các đường bay quốc tế do lo ngại dịch bệnh bùng phát. Vì vậy, lúc này các khách sạn, khu nghỉ dưỡng buộc phải tự xoay sở để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Hiện các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở phân khúc 4-5 sao vẫn còn cầm cự được tuy nhiên các khách sạn ở quy mô từ 3 sao trở xuống hoặc quy mô gia đình phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.
Theo thông lệ, công suất tối thiểu để duy trì khách sạn, khu nghỉ dưỡng cần đạt 35%. Qua khảo sát nhiều khách sạn cân nhắc đóng cửa một số dịch vụ và một số tầng, khu vực nhất định để cắt giảm chi phí do đó công suất tối thiểu để vận hành các khu lưu trú có thể thấp hơn mức 35%. Song một thực tế đáng lo ngại là có không ít khách sạn đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn khi công suất chỉ đạt dưới 10%.
Chuyên gia này đánh giá, ngành du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam vẫn còn những nền tảng cơ bản có thể hỗ trợ quá trình phục hồi đó là nguồn cầu du lịch nội địa có thể cải thiện khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nhiều dự án nghỉ dưỡng tại Việt Nam đã tồn đọng rất nhiều vấn đề liên quan đến quá trình vận hành kém hiệu quả từ trước khi có sự xuất hiện của đại dịch.
Đại dịch Covid-19 không chỉ mang đến khó khăn, thách thức mà còn mở ra cơ hội để chủ khách sạn, resort đánh giá lại chất lượng sản phẩm, đội ngũ nhân sự, tiến hành tái cấu trúc toàn diện, trong đó có cả việc cơ cấu lại dòng vốn. “Đây là thời gian quan trọng để các chủ dự án nghỉ dưỡng điều chỉnh chiến lược, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn mới khi các tín hiệu phục hồi xuất hiện”, ông Mauro Gasparotti nói.