Bách hóa Xanh giành ngôi vương doanh thu từ WinMart/WinMart+ và Co.opmart
Những năm gần đây, ngôi vương về doanh thu giữa các chuỗi bán lẻ trong nước luôn được Co.opmart và Winmart/Winmart+ thay nhau nắm giữ.
Tuy nhiên, năm 2023 tình thế đã thay đổi. Lần đầu tiên, doanh thu Bách Hóa Xanh đã vượt qua cả Co.opmart và WinMart/WinMart+ trong điều kiện chuỗi này đã hoàn tất quá trình tái cơ cấu và kinh doanh khởi sắc từ quý III năm 2023.
Với 1.698 cửa hàng vào cuối năm 2023, chuỗi Bách hóa Xanh đã cán mốc doanh thu 31.610 tỷ đồng, đóng góp gần 15% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động. Đây cũng là mốc doanh thu cao nhất từ trước tới nay của Bách hóa Xanh.
Với Saigon Co.op, theo thông tin mới đây tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh của Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), chuỗi siêu thị này vẫn duy trì doanh số năm 2023 đạt gần 30.000 tỷ đồng. Điều này có được nhờ kiểm soát khá tốt chi phí, bảo đảm hiệu quả kinh doanh trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Cũng theo thông tin từ hội nghị, dự ước lợi nhuận cả năm 2023 của Saigon Co.op vẫn hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Theo công bố của Masan, năm 2023 hệ thống siêu thị WinMart/ WinMart+ ghi nhận doanh thu 30.054 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước đó. Tăng trưởng doanh thu của WinMart/ WinMart+ là nhờ tác động tích cực của việc mở cửa hàng mới, sự tăng trưởng mạnh mẽ của các của hàng được chuyển đổi và thành công trong việc nâng cấp mô hình cửa hàng.
Co.opmart – đối thủ nặng ký của Bách hóa Xanh tại thành phố Hồ Chí Minh
Trong khi các đối thủ, điển hình là WinMart+ đang đẩy mạnh hiện diện tại miền Trung và miền Nam, thì Bách hóa Xanh chưa có ý định mở rộng ra phía Bắc.
Chủ tịch Thế giới Di động đánh giá, hiện chuỗi Bách hóa Xanh vẫn chưa chiếm quá nhiều thị phần, ở cả những địa phương mà chuỗi này đã có mặt lẫn những khu vực chưa mở rộng tới như miền Bắc, do đó cơ hội để mở rộng còn khá nhiều.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Thế giới Di động cũng đánh giá thị trường miền Bắc có những đặc thù riêng về vùng miền, trong khi đó, công ty đang tập trung chuẩn bị các nguồn lực để có thể mở rộng một cách tốc độ mà vẫn đạt hiệu quả.
Trong thời gian tới, chuỗi Bách hóa Xanh dự kiến sẽ chỉ tập trung mở rộng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh do nhu cầu tiêu dùng tại đây vẫn “còn rất lớn”, trong khi nhiều vị trí vẫn chưa có sự xuất hiện của Bách hóa Xanh.
“Quận 7 và Quận 4 có mật độ dân cư rất cao nhưng số cửa hàng lại hạn chế. Do đó chúng tôi vẫn quyết định sẽ mở rộng chuỗi Bách hóa Xanh tại TP.Hồ Chí Minh”, ông Phạm Văn Trọng – Tổng Giám đốc Bách hóa Xanh cho biết.
Như vậy, với thị trường trọng điểm miền Nam, đặc biệt là khu vực TP Hồ Chí Minh, đối thủ trực diện của Bách hóa Xanh là Co.opmart, một thương hiệu bán lẻ lâu đời và có tiềm lực mạnh.
Năm 2020, theo thông tin từ hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh, Saigon Co.op cho biết tại thị trường TP.HCM, doanh thu của hệ thống Co.opmart chiếm trên 45% thị phần ở kênh siêu thị.
Cũng trong năm này, Bách hóa Xanh có sự tăng trưởng mạnh mẽ, gấp đôi doanh thu so với năm trước đó. Báo cáo của Thế Giới Di Động chỉ ra, Bách hóa Xanh là động lực tăng trưởng chính của kênh cửa hàng hiện đại (MT) tại Việt Nam.
Thị phần hàng tiêu dùng nhanh của Bách hóa Xanh đã vượt mức 10% tại khu vực thành thị nói chung và trên 20% tại riêng thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, cả Co.opmart và Bách hóa Xanh đều bị chững lại sau năm 2020 đạt đỉnh doanh thu một phần nhờ tác động của Covid.
Với Bách hóa Xanh, đó là về chất lượng quản trị mô hình, những lùm xùm liên quan đến giá bán và chất lượng phục vụ khiến hoạt động kinh doanh đi xuống sau 1 thời gian tăng trưởng nóng. Chuỗi bán lẻ này sau đó đã phải làm một cuộc thanh lọc, tái cơ cấu quyết liệt.
Cho đến hiện tại, Bách hóa Xanh đã khởi sắc với hệ thống kinh doanh bài bản, hiệu quả, kiểm soát được chất lượng, biến phí và đang xác định mục tiêu sẽ có lợi nhuận tuyệt đối vào năm nay.
Hiện nay, Saigon Co.op đang tỏ ra rất nhanh nhạy trong việc chuyển đổi và thích ứng với xu hướng tiêu dùng hiện đại, bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Dấu ấn của Saigon Co.op trong dịp Tết nguyên đán vừa qua là livestream bán hàng trên TikTok bằng người ảo.
Saigon Co.op đồng thời triển khai công nghệ AI (artificial intelligence) hay còn gọi “livestream bán hàng bằng người ảo” để tối ưu hóa chi phí, giảm giá thành sản phẩm, hỗ trợ người dùng mua sắm gần như 24 tiếng trong ngày.
Ông Lê Văn Tòng, Trưởng ban Kinh doanh Trực tuyến Saigon Co.op, cho biết triển khai livestream bằng AI là bước đột phá trong hành trình số hóa của Saigon Co.op; đồng thời đơn vị cũng đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển thương mại chung của TP HCM. “Hy vọng rằng với xu hướng bán hàng mới mẻ này sẽ mang đến trải nghiệm tiện lợi, tiết kiệm thời gian hơn cho người tiêu dùng”, ông Tòng bày tỏ.
Năm 2023, Saigon Co.op tung ra thị trường mô hình kinh doanh mới là Co.opmart Chợ Mới (An Giang) và Trung tâm thương mại SenseMarket – Co.opmart Cái Bè (Tiền Giang), với sự nghiên cứu và chuẩn hóa để phù hợp với các thị trường tuyến huyện, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy mạng lưới trong thời gian tới.
Song song đó, công tác tìm kiếm các dự án cho giai đoạn 2024-2025 cũng được tập trung thực hiện, tạo nguồn dự án tốt để thúc đẩy tăng trưởng trong các năm tới.
Ngoài ra, Saigon Co.op tập trung chuyển đổi số và cải thiện hoạt động logistics bao gồm các hoạt động như triển khai POS Omni, châm hàng tự động, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, khởi công kho Saigon Co.op hướng Tây TPHCM tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3, triển khai hệ thống quản lý kho WNS, chuyển đổi mô hình công ty kho vận… để theo kịp tốc độ phát triển rất nhanh của xu hướng công nghệ hiện nay, thời đại công nghệ 4.0 và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Link nguồn: https://cafef.vn/lan-dau-tien-bach-hoa-xanh-vuot-doanh-thu-cac-ong-lon-winmart-winmart-coopmart-188240307121850393.chn