Môi giới không có chứng chỉ, giao dịch chụp giật
Số người hoạt động MGBĐS có chứng chỉ hành nghề chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Riêng đội ngũ môi giới ở Hà Nội chỉ có khoảng 50% là nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn giao dịch, còn lại là các MGBĐS nghiệp dư, trong đó có những người “tay ngang” chuyển nghề khi thị trường BĐS tăng nóng.
Siết chặt quản lý hoạt động của người làm MGBĐS. Ảnh: TTXVN.
Hiện nay, các sàn giao dịch BĐS thực chất chỉ là cái tên gán vào để làm thương hiệu. Vì khi thành lập sàn giao dịch, các tổ chức phải chịu thêm trách nhiệm báo cáo về thị trường, chịu giám sát từ các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng… Trong khi đó, các doanh nghiệp không đăng ký hoạt động sàn giao dịch BĐS vẫn được tham gia hoạt động kinh doanh như một sàn giao dịch BĐS, gồm môi giới, tư vấn, phân phối sản phẩm BĐS và việc thành lập công ty môi giới BĐS dễ dàng, đã và đang làm xuất hiện các hệ luỵ cho thị trường, nhất là các giao dịch chụp giật, làm lợi cho cá nhân.
Đặc biệt, vào thời điểm thị trường BĐS xuất hiện những đợt “sốt đất”, lao động từ các ngành nghề khác tham gia vào làm môi giới tăng nhanh, mạnh ai nấy làm, nên có sự cạnh tranh gay gắt giữa các môi giới. Thậm chí, tình trạng chủ đầu tư cắt phần trăm thấp đối với các sản phẩm BĐS còn phát sinh tình trạng lừa đảo trong giao dịch, làm mất hình ảnh môi giới chân chính.
Mặt khác, nhiều giao dịch BĐS hiện nay diễn ra trực tiếp, giữa người bán và mua có thể tự thỏa thuận, ký kết và hoàn thành giao dịch, nên vai trò của người môi giới dần mờ nhạt… Đây là những thực tế diễn ra phổ biến trong bức tranh nghề MGBĐS hiện nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường BĐS.
Thực tế trên theo lý giải của lãnh đạo Hội MGBĐS Việt Nam là do hiện nay, Nhà nước chưa có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà MGBĐS tham gia sâu hơn vào các giao dịch BĐS hoặc ràng buộc bằng các cơ chế pháp lý buộc giao dịch phải có sự tham gia của nhà môi giới; đồng thời, công tác đào tạo, kiểm tra, khung chương trình đào tạo chứng chỉ MGBĐS còn lạc hậu. Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển sâu rộng vào thị trường, các mô hình đầu tư, hoạt động giao dịch BĐS cũng liên tục thay đổi, đòi hỏi người MGBĐS phải tiếp cận kiến thức và tri thức mới. Vì vậy, nghề MGBĐS không được đào tạo bài bản sẽ tụt hậu.
Giải quyết bài toán trên như thế nào?
Để hướng đến thị trường dịch vụ BĐS chuyên nghiệp, lành mạnh, bền vững, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ phía chính sách của Nhà nước, cùng với việc phát huy tối đa vai trò của Hội MGBĐS Việt Nam. Hội MGBĐS Việt Nam đã để xuất với các cơ quan hữu quan thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ. Trong đó, Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng các địa phương cần cấp chứng chỉ hành nghề, đưa ra những ràng buộc trách nhiệm đối với những người làm MGBĐS. Có thể thấy, nghề môi giới không đơn thuần là giới thiệu BĐS, mà thông qua nhà MGBĐS, chủ đầu tư có thể nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân để tiếp tục phát triển sản phẩm. Việc cấp chứng chỉ cũng cần gắn với mã số hành nghề để cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, giám sát và kịp thời xử lý những hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, theo Luật Kinh doanh BĐS, hoạt động kinh doanh sàn BĐS và cá nhân kinh doanh BĐS phải báo cáo theo các mẫu gửi về các sở, ban, ngành để quản lý. Hiện nay, các biểu mẫu báo cáo được gửi đến các sở, ban, ngành quản lý đa phần báo cáo để đối phó. Điều này khiến cho cơ quan quản lý Nhà nước không kiểm soát được việc bán ra ngoài thị trường và khi cơ quan quản lý Nhà nước cần số liệu thực tế thì sẽ không có. Việc giám sát hoạt động các sàn lâu nay đang bị buông lỏng và cơ quan quản lý cũng khó đánh giá được chất lượng cũng như năng lực thật sự của các sàn giao dịch hiện nay. Do đó, phải siết chặt các mã số định danh cá nhân MGBĐS, các công ty và sàn giao dịch MGBĐS phải có báo cáo bằng văn bản định kỳ gửi cơ quan Nhà nước kiểm soát.
Thêm vào đó, cần xây dựng hành lang pháp lý, giám sát và quyết liệt trong chế tài, hướng đến thị trường minh bạch và sự chuyên nghiệp của các nhà MGBĐS; cần có quy chuẩn rõ ràng về môi giới cá nhân hay tổ chức; đồng thời, nâng cao vai trò của MGBĐS trong các giao dịch, nhất là các giao dịch qua sàn MGBĐS đối với các sản phẩm BĐS hình thành trong tương lai và tại một số đô thị đặc biệt.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến tất cả các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới. Trong đó, có nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử phạt vi phạm đối với hành vi trốn thuế đến người dân, doanh nghiệp. Điều 200 Bộ Luật Hình sự 2015 cũng quy định hành vi trốn thuế từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự, mức thấp hơn sẽ bị xử lý hành chính.
Cuối cùng, cần chấn chỉnh siết chặt các lớp học chứng chỉ hành nghề BĐS đang xuất hiện tràn lan trên mạng không đủ điều kiện về đào tạo. Chỉ các cơ sở có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề MGBĐS, điều hành sàn giao dịch BĐS theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 mới được tổ chức thi sát hạch, cấp chứng chỉ môi giới tại các địa phương trên nếu được Sở Xây dựng giao hoặc ủy quyền tổ chức thi sát hạch.
Rõ ràng, khi thị trường BĐS vẫn đang khó đoán vì phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, hoạt động MGBĐS càng phải được quản lý, chấn chỉnh tốt, nhằm tạo cơ sở góp phần giúp thị trường được định hướng phát triển lành mạnh, không xảy ra các tình trạng sốt đất hay bong bóng bất động sản.