Savills cho biết, trong năm 2023, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới gần như phục hồi về mức trước đại dịch, với hơn 85% thị trường ghi nhận chỉ số RevPar (doanh thu trên mỗi phòng sẵn có) cao hơn mức năm 2019.
Tại Đông Nam Á, Singapore đang dẫn đầu quá trình phục hồi của ngành nghỉ dưỡng. Nhờ hoạt động du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, quốc đảo này thậm chí còn ghi nhận giá phòng vượt mức trước đại dịch. Trong khi đó, tốc độ phục hồi của Việt Nam chậm hơn khi chỉ số RevPar vẫn thấp hơn khoảng 20% so với mức năm 2019, chủ yếu do công suất cho thuê phòng thấp.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, cho biết hoạt động kinh doanh tại các khu đô thị như TP.HCM, Hà Nội đã phục hồi nhanh hơn các điểm đến ven biển, trong đó giá bán phòng trung bình (ADR) đã gần đạt mức trước đại dịch . TP.HCM cũng được ghi nhận là điểm đến có tốc độ phục hồi công suất phòng nhanh hơn các điểm đến khác.
Đối với thị trường nghỉ dưỡng ven biển, Đà Nẵng hiện đang dẫn đầu về tốc độ phục hồi nhờ sự phục hồi của thị trường du lịch Hàn Quốc cũng như sự cải thiện về tần suất các chuyến bay quốc tế.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Đà Nẵng đón khoảng 25 chuyến bay từ các thành phố lớn ở Hàn Quốc, chiếm hơn 50% tổng số chuyến bay quốc tế đến thành phố biển này. Trong khi đó, thị trường Nha Trang, Cam Ranh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do phụ thuộc nhiều vào khách du lịch Trung Quốc trước dịch bệnh.
Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế quan trọng của các nước Đông Nam Á khi khu vực này đón khoảng 32 triệu du khách Trung Quốc trong năm 2019. Hiện tại, mặc dù lượng khách du lịch Trung Quốc chưa quay trở lại mức trước dịch nhưng thị trường đang ghi nhận nhiều dấu hiệu cải thiện tích cực từ nguồn này của khách hàng.
Dù Việt Nam có quá trình phát triển du lịch ấn tượng trước đại dịch, cũng như có nhiều tiềm năng trở thành một trong những điểm đến du lịch quốc tế, Việt Nam vẫn cần có kế hoạch hành động để tăng sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Theo ông Mauro, năm 2024 dự kiến sẽ là năm tăng tốc của khu vực Đông Nam Á với động lực tăng trưởng đến từ sự phục hồi của thị trường khách du lịch Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị trường Ấn Độ cũng được coi là khách hàng tiềm năng cho khu vực trong thời gian tới. Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam vì chúng ta có rất nhiều tiềm năng để nắm bắt nguồn du lịch này.
Những năm gần đây, các thương hiệu khách sạn quốc tế ngày càng tăng cường hiện diện tại Việt Nam. Hiện toàn thị trường có gần 200 khách sạn thương hiệu quốc tế, tăng mạnh so với khoảng 50 dự án năm 2013.
Ông Mauro cho biết: “Tùy vào tầm nhìn và chiến lược của nhà đầu tư, mỗi mô hình sẽ có những ưu điểm riêng. Khách sạn tự vận hành giúp nhà đầu tư tự chủ trong quá trình phát triển và quản lý hoạt động, trong khi chuỗi khách sạn có nhiều lợi thế về mặt quản lý chuyên môn, nhận diện thương hiệu, hệ thống phân phối, tiếp thị… Cùng với các thương hiệu áp dụng hệ thống tiêu chuẩn khắt khe, đưa sản phẩm chất lượng ra thị trường, từ đó giúp tăng tính cạnh tranh của dự án, nhưng điều này cũng đòi hỏi một quá trình lập kế hoạch và nghiên cứu kỹ lưỡng, và thường sẽ đòi hỏi chi phí đầu tư cao hơn.
Link nguồn: https://cafef.vn/khong-phai-nha-trang-hay-cam-ranh-mot-khu-vuc-nghi-duong-quen-thuoc-dang-dan-dau-ve-toc-do-phuc-hoi-188240329131625682.chn