Khi các hoạt động đang dần được khôi phục, thì đại dịch lại bùng phát giai đoạn 2, dự báo khó khăn sẽ còn đeo đuổi thị trường một thời gian dài hậu khủng hoảng.
Tháng 2/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều hoạt động kinh tế – xã hội bị đình trệ. Hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực BĐS phải dừng lại, nhiều DN mất thanh khoản có nguy cơ phá sản,“bóng ma” khủng hoảng của giai đoạn 2008 – 2010 lại ùa về. Đáng quan ngại, mức độ tàn phá tăng gấp nhiều lần khi giai đoạn 2 của đại dịch bùng phát. Trong đó, BĐS du lịch – lưu trú là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khủng hoảng nhân đôi
Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Nam Đăng (Hà Nội) Lê Xuân Vinh cho biết, từ cuối tháng 2/2020, chuỗi mặt bằng mà đơn vị này thuê để kinh doanh dịch vụ khách sạn – lưu trú đã phải dừng hoạt động vì không có khách. Bình quân mỗi tháng phải trả từ 6.000 – 7.000 USD/mặt bằng. Chỉ một thời gian ngắn sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, thì dịch Covid-19 giai đoạn 2 tiếp tục bùng phát trên diện rộng khiến hoạt động kinh doanh lưu trú càng trở nên khó khăn.
“Với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 như hiện nay, mặc dù đang vào mùa du lịch, nhưng hàng loạt tour, tuyến bị hủy. Do không có khách, không có doanh thu, nhưng mọi chi phí vận hành chúng tôi vẫn phải chi trả đúng hạn, cả tiền lãi ngân hàng, tiền thuê mặt bằng…” – ông Lê Xuân Vinh chia sẻ.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã bị giảm sút nghiêm trọng. Tại Hà Nội công suất phòng khách sạn 3 – 5 sao giảm tới 55%, doanh thu giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, trong tháng 3 và tháng 4/2020, tất cả cơ sở kinh doanh lưu trú và khách sạn 3 sao trở xuống đều phải đóng cửa.
Giám đốc quản lý Minerva Church Hotel (Hoàn Kiếm, Hà Nội) Hưng Dương cho biết, từ đầu quý II/2020 đến nay giá thuê mặt bằng kinh doanh của đơn vị này đã được giảm xuống còn 1/5 so với trước, nhưng vẫn phải bù lỗ trong quá trình vận hành vì doanh thu gần như không có.
“Vì đã đầu tư một lượng tiền lớn vào thiết kế và mua sắm thiết bị nội thất, nên chúng tôi vẫn đang phải cố gắng duy trì hoạt động của khách sạn. Mặc dù đã được giảm tiền thuê mặt bằng xuống mức tối thiểu nhưng chúng tôi vẫn phải bù lỗ vì lượng khách rất ít và doanh thu không đủ cho chi phí” – ông Hưng Dương cho hay.
Khó khăn kéo dài
Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hàng loạt DN du lịch lữ hành tại TP này phải hủy hợp đồng, như Vietravel với gần 21.000 tour bị hủy trong cuối tháng 7; Saigontourist với hơn 10.000 tour bị hủy; các DN như BenThanh, Lữ hành Fiditour, Hòa Bình, Đất Việt, TST cũng bị hủy từ 5.000 tour trở lên.
“Sự việc lần này sẽ đẩy nhiều DN du lịch đến “vực thẳm”, đặc biệt là những đơn vị quy mô nhỏ. Kiến nghị Tổng cục Du lịch và các địa phương hỗ trợ các DN trong việc đàm phán hoãn hủy tour và đề nghị các đơn vị cung ứng chia sẻ tổn thất với đơn vị lữ hành” – đại diện Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh nói.
Số liệu tổng hợp từ Bộ Xây dựng, hiện nay, cả nước có 92 dự án căn hộ du lịch (condotel), 197 dự án biệt thự du lịch được cấp phép; trong đó có 19.878 căn hộ Condotel và 8.407 biệt thự du lịch đang triển khai xây dựng. Từ đầu năm đến nay, chỉ có thêm 5 dự án BĐS du lịch – nghỉ dưỡng được cấp phép xây dựng mới tại Khánh Hòa và Phú Yên.
Các dự án BĐS du lịch – nghỉ dưỡng không chỉ gặp khó khăn về thị trường, khách hàng, nguồn vốn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, mà còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề pháp lý.
Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) chỉ tiến hành thẩm định cho 1.666 căn hộ condotel, riêng trong quý II/2020 không có căn hộ nào được thẩm định; Biệt thự du lịch có 2.746 căn được thẩm định cho riêng trong quý I/2020 không có căn biệt thự du lịch nào được thẩm định. Bên cạnh đó, số lượng căn hộ condotel được nghiệm thu và đưa vào sử dụng là 668 căn, riêng biệt thự du lịch từ đầu năm không có sản phẩm nào được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.
“Nhìn chung BĐS du lịch – nghỉ dưỡng lượng mở bán từ đầu năm đến nay rất ít, trong khi đó giá bán các sản phẩm thuộc phân khúc này cũng ghi nhận không có sự thay đổi so với năm 2019” – Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh cho hay.
Phó Tổng Giám đốc APEC GROUP Hán Kông Khanh cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống lưu trú của đơn vị này tại các địa điểm du lịch lịch nổi tiếng như Nha Trang (Khánh Hòa) gần như không có khách ngoại. Khách nội địa cũng không nhiều, trong khi để bán được phòng cho khách trong nước thì mức phí chỉ bằng khoảng 30 – 40% so với bình thường.
“Từ đầu tháng 6/2020, khi lượng khách du lịch nội địa bắt đầu gia tăng trở lại, thì đến cuối tháng 7 giai đoạn 2 của Covid-19 bùng phát đã khiến cho các hoạt động lại phải tạm dừng. Doanh thu của tập đoàn từ đầu năm đến nay chỉ bằng khoảng 20% so với năm 2019” – ông Hán Kông Khanh cho hay.
Chuyên gia Vũ Quang Vinh cho rằng, phân khúc BĐS du lịch vốn đã bị giáng một “đòn” mạnh từ sự cố của Cocobay Đà Nẵng, đến nay tiếp tục chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến cho thị trường càng trở nên khó khăn. Các chủ đầu tư một mặt vừa phải tìm cách để trụ vững trong giai đoạn dịch bệnh, vừa phải tìm cách để lấy lại niềm tin từ nhà đầu tư, khách hàng.
“Tôi cho rằng, trong ngắn hạn để phân khúc BĐS du lịch – nghỉ dưỡng phục hồi được là rất khó. Vì vậy, cần một khoảng thời gian trung hạn từ 1 – 2 năm, tính từ thời điểm dịch bệnh chấm dứt để có thể phục hồi” – ông Vũ Quang Vinh nhận định.
Theo kinhtedothi.vn