Một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố mới đây cho thấy, chỉ riêng năm 2022, con người đã tạo ra hơn 68 triệu tấn rác thải điện tử, đủ để chất đầy một hàng xe tải 40 tấn trên quãng đường tương đương độ dài đường xích đạo (40.075km). Con số này vẫn tiếp tục tăng lên và theo dự đoán của LHQ, mỗi năm sẽ có thêm gần 3 triệu tấn rác điện tử thải ra môi trường.
Dù thế, hoạt động tái chế rác điện tử, ngược lại, lại đang có xu hướng giảm dần.
Trong năm 2022, chỉ khoảng 22,3% trong tổng khối lượng rác điện tử được thu thập và tái chế. Đến năm 2030, LHQ dự đoán tỷ lệ này giảm xuống còn 20% trong khi lượng rác thải ra tăng thêm 33%, tương đương 82 triệu tấn/năm. Nguyên nhân là do mức tiêu thụ cao hơn, vòng đời sản phẩm ngắn hơn trong khi số linh kiện có thể thu hồi và xử lý hẹp lại.
Phần lớn rác thải là vật dụng hoặc thiết bị nhỏ, sau khi không thể sửa chữa hoặc bị bỏ đi do lỗi thời, nhiều loại tiếp tục được vận chuyển khắp thế giới trong tình trạng không kiểm soát, phần lớn từ các quốc gia có thu nhập cao đến những nước thu nhập thấp hoặc trung bình.
CBS News cho biết họ đã theo dõi vấn đề trên từ năm 2008 khi lần theo con đường tái chế các bộ phận máy tính ở thành phố Denver (Mỹ) đến một bãi rác độc hại ở Trung Quốc. Theo ước tính của LHQ, có hơn 550.000 tấn rác điện tử được vận chuyển từ nước này sang nước khác mỗi năm nhưng việc theo dõi lại hết sức khó khăn bởi đa phần các lô hàng được xuất khẩu trái phép.
Theo Công ước Basel 1989, hầu hết các quốc gia đều có ràng buộc với những điều khoản về kiểm soát vận chuyển qua biên giới và tiêu hủy các phế thải nguy hiểm, bao gồm yêu cầu mỗi nước phải có chính sách riêng về rác thải điện tử. Nhưng trong số 193 quốc gia được phân tích, chỉ có 81 nước áp dụng chính sách, luật pháp hoặc quy định về rác điện tử.
Thiệt hại kinh tế là con số khổng lồ. Báo cáo của Liên Hợp Quốc ước tính chi phí kinh tế ròng hằng năm do rác thải điện tử gây ra lên tới 37 tỷ USD. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 40 tỷ USD vào cuối thập kỷ nếu ngành công nghiệp điện tử không cải thiện việc quản lý và chính sách một cách đáng kể.
Tổng giá trị nguồn rác điện tử có thể tái chế là một “kho báu” lên tới 62 tỷ USD, đang rơi vào quên lãng, đồng thời mang đến nguy cơ ô nhiễm và làm trầm trọng thêm những vấn đề sức khỏe trên toàn cầu.
Liên Hợp Quốc cảnh báo, rác điện tử hoặc bất kỳ sản phẩm thải bỏ nào có chuôi cắm điện hoặc dùng pin đều chứa chất độc hại gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nó cũng tác động trực tiếp đến môi trường, thậm chí ngay từ khâu khai thác vật liệu thô ban đầu.
Chẳng hạn như để tạo ra 1 kg vàng dùng để sản xuất bo mạch in trong linh kiện điện tử, người ta phải khai thác tới 3.000 tấn quặng khoáng sản. Đổi lại, nếu khai thác những tài nguyên đó từ rác điện tử tương tự có thể giảm được hàng triệu tấn khí thải CO2 vào khí quyển.
Con người cũng có thể hạn chế hóa chất thải ra môi trường khi thu hồi và xử lý một số loại rác điện tử cụ thể như tủ lạnh, tủ đông hay máy điều hòa không khí. Trường hợp những hóa chất này được giải phóng không kiểm soát, chúng có thể phản ứng với các phân tử khác gây mỏng tầng ozone, làm tăng cường mức độ tia cực tím ở bề mặt Trái Đất, dẫn tới nhiều hệ lụy về sức khỏe và gây ra biến đổi khí hậu.
Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, cần có sự quan tâm và hành động ngay lập tức để giải quyết mối lo ngại chất thải điện tử gia tăng tràn lan. Mặc dù khoảng cách giữa số lượng rác điện tử và nỗ lực tái chế có xu hướng nới rộng, nhưng tỷ lệ này vẫn có thể cải thiện nếu áp dụng chính sách phù hợp, chẳng hạn như tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nhu cầu sửa chữa và tái sử dụng đồ diện tử; đồng thời xây dựng năng lực và đề ra các biện pháp ngăn chặn nhập khẩu những lô hàng rác thải điện tử bất hợp pháp.
Link nguồn: https://cafef.vn/kho-bau-62-ty-usd-dang-bi-lang-quen-obai-rac-neu-khong-duoc-khai-thac-con-gay-hai-cho-nhan-loai-188240324184904197.chn