Còn nhớ hơn 1 năm trước, trên những diễn đàn, câu chuyện “bỏ phố về rừng” luôn thu hút được rất nhiều người quan tâm và chia sẻ. Dịch bệnh khiến chuyến du lịch xa trở nên khó khăn. Ngày tháng quanh quẩn trong những bức tường chung cư khiến cho người dân thành thị mơ ước một cuộc sống giữa núi rừng, hoà với thiên nhiên. Đó cũng là lý do khiến thị phần farmstay nở rộ. Và cũng nhờ làn sóng bùng lên farsmstay, không ít nhà đầu tư xuống tiền “thắng đậm”.
Câu chuyện ông Ng. là ví dụ điển hình. Năm 2020, ông Ng. mua lô đất ở Hoà Bình với mức giá 300 triệu đồng cho mảnh đất 400m2. Ý định ban đầu dành để nghỉ dưỡng cuối tuần nhưng chỉ trong vòng hơn 6 tháng, ông Ng. được môi giới gọi điện trả 500 triệu đồng. Thấy đất farmstay dễ có hời, ông Ng. mua thêm lô đất khu vực giáp với Hà Nội tại Hoà Bình.
Theo ông Ng, đất farmstay sốt mạnh ở giai đoạn 2020-2021. Thời điểm này ông từng kiếm lời tới hàng chục lô đất và trung bình mỗi thương vụ thu được tiền chênh ít nhất 200 triệu đồng -1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Ng, tiết lộ, hiện tại 3 lô đất của ông ở Hoà Bình mua từ giữa năm 2021 đang phải nằm trong tình cảnh “không người hỏi thăm”. Nhà đầu tư tay ngang này cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, giao dịch đất vùng ven chậm. Nếu nhà đầu tư nào thoát kịp trong năm 2021 thì may mắn còn ai đợi chờ giá tăng thêm đều phải chấp nhận chôn vốn hoặc cắt lỗ. Thậm chí, cắt lỗ tới 10% nhưng chưa chắc có người mua.
Trong hoàn cảnh tương tự như ông Ng, ông M. cũng bỏ ra 3 tỷ đồng mua lô đất rộng hơn 500m2 tại Hoà Bình. Ông dự tính sẽ xây dựng và kiến tạo thành homestay nghỉ dưỡng đẹp. Khi thu hút được lượng khách ổn định, ông M. sẽ chuyển nhượng.
Tuy nhiên, thực tế việc mua – bán chuyển nhượng lại không hề dễ dàng. Tính đến nay, ông M. cho biết đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để kiến thiết homestay. Homestay đã đi vào hoạt động đón khách nhưng lượng khách kỳ vọng không như dự tính. Và ngay cả việc rao bán chuyển nhượng homestay cũng khó tìm nhà đầu tư mớ.
“Bây giờ người ta không còn chuộng “farmstay”, “homestay” nữa. Tôi tìm khách để bán mà vẫn chưa được. Nhưng để duy trì homestay như hiện tại, chi phí vận hành khá tốn kém”, ông M. than thở.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, farmstay chỉ là trào lưu. Ông Hiển từng dự báo rằng, thời điểm năm 2020, người dân đổ xô mua vài ngàn m2 đất vùng hẻo lánh, vị chuyên gia này thấy “không ổn”. Nhìn thì đẹp khi chiều xuống, họ lại muốn bỏ về vì sợ ma. Chưa kể, để làm farmstay cần người phục vụ đủ tiêu chuẩn, hậu cần… thì bài toán đầu tư để đạt điểm hoà vốn khó, càng làm chỉ càng lỗ.
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc đến từ Hà Nội cho rằng, farmstay chỉ là trào lưu nhất thời khi dịch bệnh xuất hiện. Nhưng mọi thứ trở lại bình thường, nhu cầu, thói quen ở trong nội thành, gần nơi làm việc, tiện đưa con đi học vẫn hiện hữu. Rất khó để bỏ phố về rừng ở trừ khi xác định về đó lập nghiệp, kinh doanh thực sự.
Hiện tại, yêu cầu làm online đã không còn phổ biến. Nhiều doanh nghiệp bắt nhân viên đến làm việc bình thường. Các giao dịch đều gần như trực tiếp. Thế nên, “mộng” về rừng sống với thiên nhiên để thành hiện thực rất khó với người trẻ. Vì họ còn lo “cơm áo gạo tiền”, phải làm đủ nghề để bươn chải và thời gian cho các mối quan hệ. Kết thúc một ngày, họ chỉ mệt và muốn ngủ để lấy sức cho hôm sau, không có thời gian tận hưởng núi rừng. Mặt khác, du lịch kết nối trở lại, người ta có xu hướng đi biển, đi sang các nước hơn lên núi, với hoạt động đơn điệu.
“Đây là lý do khiến nhà đầu tư mua farmstay thời điểm 2021 mà chưa bán đều phải chấp nhận “nằm im” 2-3 năm may ra mới thoát được hàng. Nhiều bạn tôi đổ về Hoà Bình, Thạch Thất, Ba Vì mua nhưng đều khó tìm khách. Cắt lỗ mà còn không bán được”, vị lãnh đạo này nói.
https://cafef.vn/het-thoi-farmstay-rao-ban-ca-nam-khong-ai-mua-nha-dau-tu-tim-huong-cat-lo-20220704063900139.chn