Mới đây, nhiều công ty BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán đều công bố lợi nhuận quý 2/2021 tăng mạnh, đạt hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái. Ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, kết quả kinh doanh này của các doanh nghiệp BĐS gây không ít tò mò đến khó tin.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất Quý 2/2021, Tập đoàn Novaland (NVL) vừa công bố, Tập đoàn ghi nhận hơn 2.014 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương mức tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, tổng doanh thu hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ đạt gần 7.097 tỷ đồng, tăng gần 282% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt 6.344 tỷ đồng (tăng 541% so với cùng kỳ năm ngoái) chủ yếu được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án như Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet; doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt gần 753 tỷ đồng.
Tại ngày 30/06/2021, tổng tài sản của Tập đoàn đạt gần 171.533 tỷ đồng, tăng 18,7% so với cuối năm 2020. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận hơn 103.241 tỷ đồng, tăng 18,9% so với thời điểm 31/12/2020 chủ yếu đến từ việc tăng chi phí đầu tư phát triển tại các dự án như Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram. 92% tổng hàng tồn kho (tương đương gần 94.731 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2 do các sản phẩm của Novaland đều hấp thụ tốt những những quý trước, theo đại diện tập đoàn Novaland, quý 2 năm nay dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế, tuy nhiên, với sự ủng hộ của thị trường, các sản phẩm từ các dự án kết hợp với các chương trình ưu đãi phù phù hợp với tài chính và nhu cầu của nhà đầu tư giai đoạn này. Theo đó, kết quả giao dịch trong kỳ ghi nhận tăng 227% so với cùng kỳ năm trước.
Tâp đoàn An Gia (AGG) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc khi nửa đầu năm, Tập đoàn này có doanh thu thuần 603 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 195 tỷ đồng. Tổng tài sản doanh nghiệp đạt 11.926 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Tính đến cuối kỳ, An Gia có hơn 3.166 tỷ đồng người mua trả tiền trước, tăng 24% so với đầu năm dù mới bàn giao xong dự án River Panorama.
Doanh nghiệp này công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần gấp 15 lần cùng kỳ năm trước, đạt 260 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 190 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc tăng lợi nhuận gộp từ bán hàng do ghi nhận doanh thu bàn giao dự án River Panorama (Quận 7, Tp.HCM). Lũy kế 6 tháng đầu năm, An Gia đạt doanh thu thuần 603 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 195 tỷ đồng, tăng 3%.
Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản công ty đạt 11.926 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. An Gia có gần 7.032 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 23%, đều là các bất động sản dở dang đang được công ty xây dựng, dự kiến khi hoàn thành bàn giao sẽ đem lại kết quả kinh doanh khả quan như dự án Westgate (Bình Chánh, TP.HCM), The Standard (Bình Dương),… Đây là 2 dự án đã ra mắt thị trường vào năm 2020, được An Gia mua lại trong nửa cuối năm 2019. Ban Lãnh đạo công ty nhận định quỹ đất mua được đều là đất sạch, pháp lý minh bạch nên được triển khai phát triển với tốc độ nhanh.
Dự kiến, khu biệt lập The Standard sẽ được bàn giao những sản phẩm đầu tiên vào quý 4/2021, trong khi đó khu phức hợp cao cấp Westgate với quy mô hơn 3 ha tại trung tâm hành chính Bình Chánh sẽ hoàn thành trong quý 1/2023.
Do đó, mặc dù đã bàn giao dự án River Panorama nhưng An Gia vẫn có hơn 3.166 tỷ đồng người mua trả tiền trước, tăng 24% so với đầu năm. Đây là khoản tiền khách hàng trả trước, đặt cọc mua sản phẩm dự án và sẽ được ghi nhận thành doanh thu, lợi nhuận khi hoàn thành bàn giao.
Tính đến 30/6, An Gia có vốn điều lệ hơn 827,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch, trong nửa cuối năm 2021, công ty sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để gấp đôi vốn điều lệ, dự kiến đạt hơn 1.737 tỷ đồng. Số tiền thu được từ phát hành nhằm bổ sung vốn đầu tư, mở rộng quỹ đất.
Nằm trong kế hoạch mở rộng quỹ đất, định hướng triển khai xây dựng những khu phức hợp biệt lập, nửa đầu năm, đơn vị cũng thực hiện thương vụ M&A dự án 27 ha tại Bình Chánh, Tp.HCM. Công ty có kế hoạch phát triển dự án với quy mô 7.000 – 8.000 sản phẩm căn hộ và nhà thấp tầng. Hiện, thủ tục pháp lý liên quan dự án đang được hoàn thiện, dự kiến sẽ đưa sản phẩm ra thị trường vào đầu năm 2022.
Trước khi An Gia thực hiện phát hành tăng vốn, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã mua vào hơn 8,1 triệu cổ phiếu AGG để gia tăng sở hữu lên hơn 9,8% vốn, trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất tại doanh nghiệp này. Nếu Dragon Capital tiếp tục nắm giữ cổ phiếu AGG, đơn vị này cũng sẽ tham gia vào quá trình tăng vốn lên gấp đôi của An Gia, dự kiến thực hiện trong 1-2 tháng tới đây. Giá cổ phiếu AGG từ đầu năm đến nay đã tăng trên 93%, chốt phiên giao dịch ngày 30/7 ở mức 53.500 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, Báo cáo tài chính quý II của Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng ghi nhận doanh thu thuần 1.696 tỷ đồng, gấp 3 lần và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 82,4 tỷ đồng, gấp 31 lần cùng kỳ. Lãi gộp của doanh nghiệp ghi nhận 145 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đột biến 102,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 2,4 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 20% lên 36 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng mạnh hơn 27,5%, ghi nhận hơn 51 tỷ đồng. Mặt khác, áp lực tăng các chi phí hoạt động không lớn.
Tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của HTN tăng 18% so với hồi đầu năm, đạt 6.518 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp ghi nhận hơn 2.636 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng dở dang các dự án như Resort Phát Đạt, công trình Hải Giang, công trình số 1 Nguyễn Tất Thành, chung cư cao tầng Sông Đà – Thăng Long…
Cuối quý 2, nợ phải trả đạt hơn 5.103 tỷ đồng, tăng 576 tỷ đồng trong vòng nửa năm, chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn. Hiện, HTN đang có lợi nhuận lũy kế chưa phân phối lên tới hơn 720 tỷ đồng. Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh trong 6 tháng đầu 2021 của HTN âm 266 tỷ đồng, nguyên nhân do các khoản phải thu tăng rất mạnh (363 tỷ đồng).
Công ty CP Đầu tư Nam Long (NLG) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 với lãi ròng tăng trưởng hơn 130% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2021, NLG đạt doanh thu thuần gần 637 tỷ đồng, tương đương với con số cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong kỳ được đóng góp chủ yếu từ dịch vụ xây dựng và phát triển dự án với giá trị 478 tỷ, chiếm 75% cơ cấu tổng doanh thu.
Doanh thu từ bàn giao căn hộ và biệt thự chiếm tỷ trọng 11% do các dự án đang trong quá trình xây dựng. Các dự án cũ đã dần hoàn tất tiến độ và bàn giao nhà trong năm 2019, 2020.
NLG cũng ghi nhận khoản lãi từ công ty liên kết liên doanh gần 95 tỷ đồng, tăng 122% so với nửa đầu năm 2020. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, NLG đạt lãi ròng hơn 412 tỷ đồng, gấp 2.3 lần cùng kỳ năm trước. Kết quả này có sự đóng góp từ việc mua Công ty TNHH Thành phố Waterfront Đồng Nai.
Tính đến cuối tháng 6/2021, NLG có lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn) hơn 1,280 tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 17% so với thời điểm đầu năm. NLG ghi nhận giá trị hàng tồn kho cuối kỳ hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó giá trị dự án Đồng Nai Warterfront (Izumi) là lớn nhất, gần 7,200 tỷ đồng. Tổng tài sản của NLG tại thời điểm 30/06/2021 đạt trên 20,100 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm.
Tính đến cuối quý 2/2021, NLG ghi nhận khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn 2,730 tỷ đồng, tăng khoảng 700 tỷ đồng so với đầu năm. Điều này phản ánh hoạt động bán hàng của Công ty vẫn tích cực trong nửa đầu năm.
Được biết, doanh số bán hàng của Tập đoàn tính đến thời điểm hiện tại đã đạt 4,100 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1,000 tỷ đồng so với con số đạt được vào đầu tháng 5/2021. Trong đó, doanh số từ dự án Akari đạt 407 tỷ, nhiều sản phẩm biệt thự, nhà phố tại dự án Waterpoint mang về 1,867 tỷ và công 600 căn hộ biệt lập dòng Flora Mizuki MP6, MP7, MP8 với doanh số ước đạt 1,900 tỷ đồng.
Đơn vị này cũng cho biết sẽ giới thiệu ra thị trường hơn 350 căn hộ EHome Southgate khu Tây, 275 nhà phố, biệt thự tại Izumi City khu Đông, khoảng 160 căn hộ mid-end Mizuki Park khu Nam và hơn 200 sản phẩm nhà phố, biệt thự, đất nền tại Cần Thơ ngay trong quý 3 này.
Cũng trong tháng 7 này, NLG sẽ thực hiện bàn giao khoảng 1,650 căn dự án Akari City, thu về thêm 1,700 tỷ đồng. Điều này có nghĩa doanh thu và lợi nhuận của Nam Long sẽ được ghi nhận đáng kể từ quý 3 năm nay.
Hay, Tập đoàn Đất Xanh (DXG) quý 2/2021 có doanh thu thuần 3.563 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 298 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 555 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu đạt 6.517 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế là 830 tỷ đồng, hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận năm.
Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), quý 2/2021 ghi nhận doanh thu xấp xỉ 1.150 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty báo lãi sau thuế đạt 143 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ và đạt tỷ suất lợi nhuận ròng 12,4%. Lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp thu gần 1.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 180 tỷ đồng, lần lượt tăng 418% và 147% so với giai đoạn sáu tháng đầu năm ngoái. Công ty đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lợi nhuận.
Không có gì đáng nói, nếu doanh thu của các doanh nghiệp BĐS tăng trưởng ở bối cảnh thị trường bình thường. Điều đáng nói là giữa dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng đột biến đến khó tin.
Theo ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng Giám đốc Novaland, thị trường BĐS hấp thụ dòng tiền rất tốt, chỉ sau chứng khoán. Vì vậy, khi các hoạt động sản xuất – kinh doanh chững lại vì dịch Covid-19 thì dòng tiền sẽ tự động tìm đến BĐS để đầu tư. Dòng tiền từ chứng khoán qua bất động sản rất nhanh, vì đây là 2 kênh đầu tư tương hỗ. Khả năng là sau giai đoạn giãn cách, BĐS sẽ thu hút tiền. Điều này giúp doanh nghiệp BĐS có tiềm lực vẫn làm ăn hiệu quả bất chấp dịch bệnh.
Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, nói đến BĐS phải “ngó” qua chứng khoán. “Nếu chứng khoán còn xanh thì BĐS còn tươi”. Điều này có nghĩa là, chừng nào chứng khoán còn tăng trưởng ổn định thì chừng đó BĐS niêm yết vẫn có đủ nguồn lực để báo lãi. Đây là đặc điểm cá biệt chỉ các doanh nghiệp địa ốc đã lên sàn mới có, các doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết không thể tận dụng được cơ hội này giữa đợt dịch lần thứ tư.
Cũng theo một số chuyên gia, quy định kế toán hiện hành là chỉ khi nào bàn giao căn hộ, đất nền thì mới được ghi nhận doanh thu. Do đó, các doanh nghiệp niêm yết không phụ thuộc vào tình hình bán sản phẩm trong kỳ mà có thể chủ động sắp xếp kế hoạch lợi nhuận theo trình tự bàn giao nhà. Theo đó, dù trong quý 2/2021 không thể tổ chức bán hàng nhưng vẫn có doanh thu, lợi nhuận tốt là điều bình thường. Chưa kể, dù dịch bệnh, các chủ đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động bán hàng truyền thống sang bán hàng online, cũng ghi được những kết quả đáng nói, góp phần vào kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.