Đối với các tín đồ mua sắm, ngày 12/12 có thể coi là ngày “siêu sale” lớn nhất trong năm. Trùng hợp thay, thị trường chứng khoán cũng vừa trải qua một ngày “Thứ hai đen tối” với hàng loạt cổ phiếu nóng giảm sàn.
Hàng loạt cổ phiếu bất động sản “trắng bên mua”
Nổi bật nhất là bộ ba cổ phiếu bất động sản “ăn khách” DIG, CEO và L14. Các cổ phiếu này đều kết thúc phiên giao dịch trong tình trạng “trắng bên mua”, trong đó riêng DIG dư bán giá sàn hơn 2,3 triệu đơn vị. Đáng chú ý, cả 3 khởi đầu phiên giao dịch khá mạnh mẽ với mức tăng ấn tượng trước áp lực chốt lời mạnh đảo chiều.
Dù giảm mạnh hôm nay nhưng DIG, CEO và L14 vẫn rất khỏe so với đáy hồi giữa tháng 11. CEO và L14 đều tăng gấp mấy lần trong khi DIG “yếu ớt” nhất trong 3 cái tên này cũng tăng gần 76% trong vòng chưa đầy 1 tháng. Do đó, áp lực chốt lời mạnh xuất hiện ở các cổ phiếu này là điều không quá bất ngờ.
Ngoài ra, sắc đỏ cũng bao trùm hầu hết các cổ phiếu bất động sản, thậm chí một số tên tuổi khác như DXG, KDH cũng giảm biên độ. Tuy không nóng bằng 3 cổ phiếu kể trên nhưng hai cổ phiếu này cũng tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. DXG tăng hơn 56% trong khi KDH cũng phục hồi 44% từ đáy giữa tháng 11.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu từng “tốn nhiều giấy mực” xoay quanh câu chuyện giải cứu vừa qua là NVL và HPX bất ngờ lội ngược dòng ngoạn mục. Bộ đôi này đều tăng biên độ, trong đó NVL thậm chí còn dư mua giá trần 5,5 triệu đơn vị. Tuy nhiên, thanh khoản của hai cổ phiếu này hôm nay rất thấp so với các phiên trước đó.
Cần lưu ý rằng, NVL và HPX đều có mức giảm rất “nóng” bất chấp thị trường chung đang hồi phục tương đối. Sau khi được giải cứu khỏi chuỗi ngày “tắt” thanh khoản sàn, 2 cổ phiếu này chỉ có một nhịp phục hồi rất ngắn trước khi tiếp tục lao dốc với những phiên giảm sàn liên tiếp. Dù tăng mạnh trong ngày hôm nay, bộ đôi này vẫn thấp hơn 70-75% so với thời điểm trước khi lao dốc vào đầu tháng 11.
Áp lực bán đè nặng lên nhóm chứng khoán
Chứng khoán cũng là một trong những nhóm bị bán mạnh sau khi hồi phục nhanh từ vùng đáy. Sắc đỏ bao trùm hầu hết các mã trong đó VND, VCI, FTS, CTS thậm chí còn giảm biên độ. Tuy nhiên, so với đáy cách đây gần 1 tháng, các cổ phiếu này đều đã tăng hàng chục % trong đó CTS là cái tên ấn tượng nhất với mức tăng hơn 76%.
Thực tế, trước đợt tăng vừa qua, hầu hết nhóm chứng khoán đều đã giảm rất sâu từ vùng đỉnh với mức chiết khấu phổ biến khoảng 70%. Việc định giá cũng “mềm” hơn rất nhiều với P/B nhiều cổ phiếu đã quanh mức 1 lần. Đây là một trong những yếu tố kích thích dòng tiền bắt đáy mạnh trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, thị trường giao dịch sôi động được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán sau 2 quý khó khăn trước đó. Điều này phần nào được thể hiện qua đợt bật tăng mạnh mẽ gần đây. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất vẫn đang có xu hướng tăng, thanh khoản thị trường được dự báo khó lặp lại sự bùng nổ như thời kỳ đỉnh cao cuối năm ngoái và đầu năm nay.
Tồn kho thép cũng chững lại
Tương tự chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu ngành thép cũng có dấu hiệu đảo chiều sau khi hồi phục mạnh từ vùng đáy. Sắc đỏ bao trùm gần như toàn bộ cổ phiếu nhóm này trong phiên hôm nay, thậm chí HSG giảm sàn “trắng bên mua” còn NKG cũng lộ sàn. Tuy nhiên, so với vùng đáy giữa tháng 11, nhiều cổ phiếu ngành thép đã hồi phục mạnh mẽ, trong đó bộ ba HPG, HSG, NKG đều tăng khoảng 50-70%.
Bên cạnh yếu tố định giá thấp khó tin sau một thời gian liên tục sụt giảm, một số tín hiệu tích cực cũng đã bắt đầu xuất hiện đối với ngành thép. Theo VNDirect, giá than cốc được dự báo sẽ giảm từ 420 USD/tấn năm 2022 xuống còn 258-220 USD/tấn tương ứng vào các năm 2023-2024 khi các mỏ than cốc hoạt động bình thường trở lại; Giá quặng sắt cũng được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn từ mức bình quân 110 USD/tấn năm 2022 xuống 90-70 USD/tấn tương ứng các năm 2023-2024.
Ngoài ra, việc Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ kích thích nhu cầu thép toàn cầu và thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, bù đắp một phần cho thị trường bất động sản đang trì trệ. Do đó, dù giá thép tiếp tục giảm trong tháng 10-11, VNDirect vẫn kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp ngành thép sẽ phục hồi từ quý IV/2022 khi hầu hết hàng tồn kho giá cao đã được giải phóng. ghi nhận vào giá vốn hàng bán quý trước.
Link nguồn: https://cafef.vn/loat-co-phieu-nong-sale-off-kich-san-trong-ngay-12-12-20221212160931865.chn