Sở hữu ngôi nhà thứ hai (second home) luôn là sự lựa chọn của không ít người giàu có thay vì đầu tư vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng hay trái phiếu. Bởi bất động sản second home hiện nay được các nhà phát triển, vận hành quản lý đưa vào khai thác với nhiều mục đích tạo ra giá trị gia tăng cao cho tài sản này nên được khá nhiều đại gia lựa chọn.
Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partners từng nhận định, xu hướng sử dụng bất động sản cao cấp của người giàu ngày càng tăng. Xu hướng này sẽ tăng dần theo sự phát triển của nền kinh tế và mức tăng trưởng GDP đầu người. Vì thế, trong tương lai việc đầu tư vào loại hình BĐS ngôi nhà thứ hai tại Việt Nam sẽ gia tăng nhanh chóng. Công ty nghiên cứu thị trường Knight Fank cũng cho rằng nhu cầu sở hữu BĐS cao cấp ở Việt Nam sẽ luôn tăng nhờ nguồn cầu lớn từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của giới thượng lưu.
Trong những năm tới, GDP của Việt Nam có khả năng sẽ sánh ngang với mức của Malaysia, Singapore năm 2014, hoặc có thể đến 2025 tương đương với Thái Lan năm 2014. Quỹ này, cho biết người dân thu nhập càng cao thì nhu cầu về BĐS cao cấp của họ không chỉ dừng ở căn nhà để ở mà còn là căn nhà thứ hai để nghỉ dưỡng, kinh doanh.
Nếu như trước đây dòng tiền của giới nhà giàu thường hướng đến các BĐS ven biển thì nay họ bỏ tiền vào nhiều khu vực hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS ở thời bất định do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì “khẩu vị” của nhà đầu tư cũng có phần thay đổi. Trong đó, nhiều người tìm đến những vùng lân cận vệ tinh Hà Nội để tìm kiếm những BĐS sinh thái vừa để nghỉ dưỡng lại vừa có thể là tài sản tích trữ cho tương lai hoặc có thể khai thác kinh doanh cho thuê nhờ xu hướng du lịch nội địa đang có sự thay đổi từ đi xa sang đi gần và ngắn ngày.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản BHS, cho rằng giới nhà giàu hiện đang chọn những nơi có không khí trong lành, cảnh quan đẹp gần Thủ đô mà có sông hồ, đồi núi…và đặc biệt là cách trung tâm dưới 1,5 tiếng lái xe ô tô.
Vì thế, gần đây dòng tiền của giới nhà giàu Thủ đô tìm đến khu vực Hòa Lạc, Ba Vì, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…là những nơi được lựa chọn để sở hữu BĐS ngôi nhà thứ hai. Hòa Bình với địa thế núi non, sông nước yên bình và cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia chạy theo Đại lộ Thăng Long rất nhanh chừng 45-90 phút là khu vực đang được ví như “sân sau” của giới nhà giàu Hà Nội.
Ngoài ra, siêu đô thị vệ tinh Hòa Lạc với quy mô hơn 17.200ha vừa được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đến 2030 sẽ trở thành đô thị khoa học công nghệ và sinh thái nghỉ dưỡng. Vì thế, dư địa phát triển của vùng đất này còn rất lớn, sẽ thu hút hàng trăm nghìn chuyên gia và cán bộ trong – ngoài nước, kéo theo nhu cầu lưu trú dài hạn và nghỉ ngơi rất lớn.
Bên cạnh cảnh quan thiên nhiên đẹp, theo ông Tuyển phân tích Hòa Bình còn có nền văn hóa đa dạng, phần lớn dân số Hòa Bình là người Mường với nhiều nét đẹp văn hóa nổi bật. Đây là một lực lượng có thể làm dịch vụ rất tốt và có bản sắc rất riêng.
Về thế và thời của Hòa Bình, tỉnh có hai thế mạnh chính là thủy điện và lâm nghiệp nhưng hiện tại, cả hai thế mạnh này đều không phải là mũi nhọn của tỉnh. Hòa Bình rất khó phát triển mạnh về công nghiệp do địa hình, hạ tầng giao thông và khả năng liên kết vùng. Các lãnh đạo của Hòa Bình đang rất tập trung theo hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng và nông nghiệp sạch. Đây được coi là một hướng đi đúng đắn và dài hạn.
“Ngoài ra, một yếu tố đáng chú ý khác đó là về giá BĐS thì Hòa Bình đang là khu vực có mặt bằng giá thấp nhất xung quanh một số tỉnh thành khác quanh Hà Nội bởi là tỉnh đi sau làn sóng phát triển bất động sản của các tỉnh. Điều này khiến cả các chủ đầu tư và các nhà đầu tư đều hứng thú vì chắc chắn đầu tư vào Hòa Bình sẽ có biên lợi nhuận cao.” Ông Tuyển đánh giá.
Thực tế thì xu hướng mua BĐS nghỉ dưỡng cuối tuần của giới nhà giàu Thủ đô đã nở rộ ở Lowng Sơn, Kỳ Sơn (Hòa Bình) trong nhiều năm trước. Tuy nhiên trào lưu này cũng giống với những khu vực khác như Sóc Sơn hay Bà Vì ở Hà Nội với việc đầu tư manh mún, chủ yếu là do nhu cầu và sở thích cá nhân. Họ thường có nhu cầu mua các khu đất riêng lẻ và phát triển thành các nhà vườn, trang trại một cách tự phát nên thường hình thành những “xóm Hà Nội” ở những khu vực này.
Tuy vậy, làn sóng đầu tư vào BĐS ngôi nhà thứ hai hiện nay ở các khu vực vệ tinh Thủ đô đã có nhiều sự thay đổi. Thay vào đó là các dự án quy mô được phát triển và đầu tư bài bản hơi, có các đơn vị quản lý khách sạn nổi tiếng đảm nhận, có thể khai thác kinh doanh cho thuê như những “resort” 4-5 sao đắt tiền. Đây cũng là định hướng quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt trở thành những vùng, khu du lịch quốc gia sau này.
Đơn cử như khu vực lòng hồ Hòa Bình được phê duyệt quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia với mục tiêu đón 1,6 triệu lượt khách, mang lại doanh thu 1.800 tỷ đồng vào năm 2030. Nay khu vực này đang thu hút khá nhiều dự án quy mô nghìn tỷ với khoảng hơn chục dự án du lịch với tổng vốn khoảng 3.300 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào khu vực này.
Hiện nay, tỉnh Hòa Bình đang đầu tư 746 tỷ đồng để nâng cấp tỉnh lộ 435 dài hơn 21km từ xã Bình Thanh, huyện Cao Phong chạy dọc ven hồ Hòa Bình đến địa phận xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc. Trước động thái này, một số nhà đầu tư đã tự tin triển khai dự án du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao ven hồ Hòa Bình.
“Có thể nói, Hòa Bình đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để có thể phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Trong bối cảnh dịch bệnh thế này, Hòa Bình còn đóng vai trò là “nơi rút lui” của người Hà Nội”, ông Tuyển đánh giá.