Sáng 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với chính quyền tỉnh Gia Lai.
Tại đây, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai cho biết, dù gặt hái được nhiều kết quả tốt trong những năm qua, tuy nhiên Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Dù hạ tầng giao thông được cải tạo, nâng cấp song vẫn còn hạn chế, do đó, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tỉnh.
“Rất mong Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có chủ trương và cơ chế để sớm triển khai thực hiện đường cao tốc này, việc đầu tư sẽ tạo động lực lớn cho phát triển cho cả vùng Bắc Tây Nguyên”, ông Hồ Văn Niên nói.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Trước đó, vào năm 2020, 3 tỉnh Gia Lai, Bình Định, Kon Tum đã ký kết tờ trình chung gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho xây dựng tuyến cao tốc Pleiku – Quy Nhơn. Tuyến đường cao tốc này dài khoảng 160 km, đã được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Dự kiến, điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây khu vực TP. Pleiku. Tuyến cao tốc này sẽ có quy mô 4 làn xe, đi song song với Quốc lộ 19 hiện hữu, kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 56.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay ODA, thu hút từ các thành phần kinh tế với nhiều hình thức. Trong đó, giai đoạn 1 (2021-2025), sẽ làm trước 2 làn xe, giải phóng mặt bằng 4 làn xe…với kinh phí 40.000 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2020-2030) sẽ đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường theo quy hoạch với quy mô 4 làn xe.
Theo tờ trình được chủ tịch UBND 3 tỉnh nói trên ký, Bình Định là địa phương có vị trí quan trọng trong việc kết nối các quốc gia trong khu vực và quốc tế, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc – Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Còn Gia Lai nằm ở trung tâm vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Chính phủ đã quy hoạch xây dựng, phát triển vùng Gia Lai tới năm 2035, tầm nhìn tới năm 2050 trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và động lực trong vùng tam giác phát triển 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tỉnh Gia Lai có Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nằm giáp với Campuchia được xác định là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Tuyến cao tốc Pleiku – Quy Nhơn có tính chất đặc biệt quan trọng, phát huy lợi thế về vị trí địa kinh tế cả tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng. Đây cũng là tuyến đường cao tốc ngang kết nối với các tuyến cao tốc dọc (đường cao tốc Bắc – Nam), góp phần hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.
Vào tháng 2/2022, trong buổi làm việc với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đề nghị đầu tư xây dựng dự án tuyến đường bộ cao tốc Pleiku – Quy Nhơn. Địa phương này cũng xác định tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phát huy các lợi thế, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Khi hình thành, cao tốc Pleiku – Quy Nhơn sẽ tạo thành trục Đông – Tây kết nối khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan với Biển Đông thông qua Cảng Quy Nhơn…