Giá đất tăng theo lần chỉ trong một thời gian ngắn là điều diễn ra thực tế tại nhiều địa phương. Ngay cả những vùng quê cách Hà Nội tới hơn 100km, chỉ vẫn là những cánh đồng hay cỏ mọc um sùm, giá còn tăng gấp 2, gấp 3. Cơn sốt đất bùng nổ kéo theo tâm lý của người dân địa phương giữ đất và cùng đẩy giá lên.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Lộc Sơn Hà Land chia sẻ, chính việc mà người dân đẩy giá lên khiến doanh nghiệp mua lại những mảnh đất này để triể khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, đơn cử như Hoà Bình.
Trong khi đó, ông Đoàn Tiến Lập, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình) thừa nhận, giá đất Hoà Bình cũng bị đẩy lên cao nhưng giao dịch thực tế lại rất không có nhiều. Ông Lập cũng cho biết thêm, vướng mắc nữa là nhà đầu tư làm thật rất ít. Năm 2017, địa phương đã kêu gọi nhà đầu tư lớn đầu tư vào Hoà Bình nhưng họ đều lắc đầu, sau tỉnh phải thu hút cả nhà đầu tư nhỏ, dự án 5ha cũng tổ chức đấu thầu, 4.000 – 5.000m2 vị trí đẹp cũng đấu thầu.
Chỉ ra hệ lụy về sốt đất, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, vì đất sốt nên không ít người có tiền đi gom đất để dành, thay vì đầu tư cho khởi nghiệp, hùn hạp làm ăn. Những cơn sốt đất đẩy mặt bằng giá bất động sản lên cao càng khiến nhiều người ra trường, đi làm 5-10 năm không thể mua được nhà. Trong khi đó, ở nước ngoài, sinh viên ra trường đi làm chăm chỉ, có tích lũy trong khoảng thời gian tương tự đã có thể mua nhà, căn hộ.
Còn ở những vùng nông thôn, sốt đất khiến giá tăng ảo. Người dân địa phương không thể yên tâm canh tác, sản xuất. Những người có nhu cầu đầu tư vào trang trại, nông nghiệp cũng gặp khó vì không thể mua đất khi giá đang sốt ảo… và hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bất ổn theo.
Ông Phan Việt Hoàng, Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, cơn sốt đất nhưng năm trở lại đây diễn ra liên tục. Nhiều nhà đầu cơ, cò đất đã lợi dụng thông tin xúc tiến đầu tư của các tập đoàn lớn hay quy hoạch mà đẩy sóng bán hàng. Họ tiến hành thu gom đất nông nghiệp, san lấp sau đó tách thửa. Sau khi hoàn tất thủ tục, những môi giới này chỉ triển khai phân lô, bán nền, kiếm lời.
Theo ông Hoàng, chiêu trò này của môi giới có thể khiến người mua gặp rủi ro lớn trong đầu tư. Trong khi đó, đối với người dân, họ cũng phải gánh nhiều thiệt hại từ cơn sốt đất. Giấc mơ tỷ phú của người dân bỏ việc chạy theo tan tành. Còn nhà đầu tư kiệt quệ tài chính vì khó thanh khoản được đất.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, sốt đất kèm mặt bằng giá các dự án gia tăng, điển hình như giá chung cư từ trung bình lên trung cấp, từ trung cấp thành cao cấp, khi đó, dòng sản phẩm chung cư, nhà ở giá 2 tỷ đồng sẽ “tuyệt chủng”. Việc đẩy giá này cũng đồng nghĩa với cơ hội sở hữu một căn nhà của phần lớn người dân tại các đô thị ngày càng trở nên xa vời, hoặc phải mất nhiều năm để tích lũy.
Nguồn: cafef.vn