Dự báo này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về giải pháp phục hồi thị trường bất động sản mới đây. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: “Sang năm 2022, xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung yếu do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để và lực cầu đang được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn”.
Số liệu của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, đến thời điểm hiện tại, nguồn cung mới ra thị trường chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Đính, ngoài yếu tố Covid-19 gần đây, nguồn gốc sâu xa đến từ việc các chính sách, pháp luật của thị trường bất động sản chưa được tháo gỡ triệt để.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest cũng chia sẻ, ách tắc lớn nhất trên thị trường hiện nay là khung pháp lý. Ví dụ như để được phê duyệt chủ trương đầu tư nhà ở thương mại, doanh nghiệp phải qua được quy định có 100% đất hoặc dính đất ở – vốn được xem là “barie lớn nhất” cho các đơn vị trong ngành.
Theo ông, hiện khoảng 400 dự án trên cả nước bị vướng bởi quy định này do chỉ khoảng 5% doanh nghiệp có thể đảm bảo 100% đất ở, còn lại đa phần họ sở hữu các loại đất khác hoặc đất hỗn hợp.
Trong khi nguồn cung hạn chế, cầu thị trường lại rất mạnh. Ông Đính cho biết, trong thời gian vừa qua, thị trường đã xuất hiện lực cầu F0, những người mới tham gia vào thị trường. Theo ông, đã có sự mất cân đối cung – cầu, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM.
“Giá bất động sản nói chung đã leo thang và leo ở mức cao, nhất là thành phố lớn. Riêng TP HCM, giá bất động sản hiện tăng gấp 2 lần và không có dấu hiệu giảm”, ông nói.
Ngoài vấn đề giá tăng do chênh lệch cung cầu, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia còn chỉ ra một nguyên nhân khác – là hiện tượng có rất nhiều doanh nghiệp mua gom và đầu cơ dự án.
Ông nói rằng, có nhiều quan điểm nhìn nhận đây là thời điểm tốt để mua gom bất động sản dẫn đến tình trạng doanh nghiệp mang tiếng “ôm đất” để phát triển dự án nhưng chỉ làm cho có lệ, trong khi những đơn vị khác cần lại thiếu đất, thiếu dự án trầm trọng.
Ông Nghĩa nhấn mạnh, thực trạng này dẫn đến hiện tượng lãng phí đất đai nghiêm trọng, làm đình trệ cả tài chính và thị trường rơi vào rủi ro. Bởi có những tập đoàn lớn nhưng âm dòng tiền nhiều năm nay lại không hề lo lắng vì mục đích của họ là đầu cơ dự án. Một trong những lý do dẫn đến hiện tượng này là thể chế, pháp lý không minh bạch, rõ ràng.
“Hậu quả là ‘tiếng kêu’ về giá bất động sản trong nhiều năm trở lại đây rất nhiều. Nhiều người trẻ nghĩ 1,5 tỷ đồng có thể mua được một căn chung cư ngoài vành đai, cách xa trung tâm, nhưng giá thực tế có thể đã lên đến 2,5 tỷ đồng”, ông nói.
Vì vậy, ông Nghĩa đề xuất các đơn vị liên quan như Bộ Xây dựng… có thể thành bộ phận rà soát lại toàn bộ quỹ đất trong thành phố để thu hồi hoặc đánh thuế thật mạnh.