CTCP Cấp nước Ninh Thuận (mã NTT) thông báo ngày 11/6 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 47% (1 cổ phiếu nhận 4.700 đồng). Ngày giao dịch không hưởng cổ tức là 10/6 và thời gian thanh toán dự kiến là 11/7.
Cấp nước Ninh Thuận dự kiến chi 45 tỷ đồng khi có 9,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương hơn 65% lợi nhuận sau thuế năm 2023 (72 tỷ đồng) để chia cổ tức. Với việc nắm giữ 52% vốn tại NTT, UBND tỉnh Ninh Thuận dự kiến sẽ nhận được 23 tỷ đồng cổ tức. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sơn Long Thuận cũng “bỏ túi” gần 19 tỷ đồng khi nắm giữ 42% vốn.
Trên thị trường, cổ phiếu NTT cũng ngay lập tức phản ứng tích cực sau tin vui về cổ tức. Chốt phiên 29/5, cổ phiếu NTT tăng 7,6% lên 55.000 đồng/cổ phiếu, đánh dấu 2 phiên tăng điểm liên tiếp sau nhiều phiên trầm lắng. Tuy nhiên, do cơ cấu cổ đông tập trung nên thanh khoản của mã này khá ì ạch với vài trăm đơn vị khớp lệnh.
Kể từ khi giao dịch trên UPCoM năm 2012, Cấp nước Ninh Thuận chưa từng chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Trong 6 năm qua, mức cổ tức tiền mặt luôn được duy trì ở mức ổn định 20%-36%. Tuy nhiên, đây vẫn là mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao kỷ lục của doanh nghiệp này.
Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận (NNT) tiền thân là Công ty Cấp nước Ninh Thuận, được thành lập năm 1992 theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận. Đến năm 2008, doanh nghiệp chính thức được cổ phần hóa và đến năm 2012 được giao dịch trên UPCoM.
Hoạt động kinh doanh chính của công ty là sản xuất và phân phối nước sạch sinh hoạt và sản xuất phục vụ 50.000 hộ gia đình tại các khu đô thị và vùng lân cận tỉnh Ninh Thuận. Công ty hiện có 3 nhà máy nước trực thuộc gồm nhà máy nước Tháp Chàm, nhà máy nước Phước Dân, nhà máy nước Tân Sơn và 1 trạm Ninh Hải.
Với lợi thế bán những mặt hàng không thể thiếu trong cuộc sống và độc quyền, doanh nghiệp cấp nước này ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khá bền vững.
Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 22,7 triệu m3, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Doanh thu ghi nhận 214 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 72 tỷ đồng, tăng lần lượt 2% và 22% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp nước này.
Năm 2024, Cấp nước Ninh Thuận đặt ra kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng với tổng doanh thu dự kiến giảm 3% xuống 208 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 33% xuống 54 tỷ đồng.
Về kế hoạch đầu tư đến năm 2024, Cấp nước Ninh Thuận sẽ cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Tháp Chàm với công suất từ 52.000 m3/ngày đêm lên 120.000 m3/ngày đêm. Xây dựng trạm bơm tăng áp Phan Rang số 2 để cấp nước cho khu công nghiệp Du Long và các khu vực phát triển trọng điểm. Đồng thời cải tạo, nâng cấp Nhà máy nước Tân Sơn từ 5.000 m3/ngày đêm lên 10.000 m3/ngày đêm.
Link nguồn: https://cafef.vn/doanh-nghiep-cung-cap-dich-vu-khong-the-thieu-bao-lai-ky-luc-chuan-bi-tra-co-tuc-tien-mat-47-188240529174448487.chn